Đảng và Nhà nước quan tâm đến đổi mới thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư

(VOV5) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần tăng cường hợp tác quốc tế về luật sư.
Đảng và Nhà nước quan tâm đến đổi mới thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Đại hội bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III.

Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định cần chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, trong đó có các nghề bổ trợ tư pháp.

Nhấn mạnh nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những nhiệm vụ mới mới, Chủ tịch nước đề nghị luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động. Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi luật sư phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc tích cực tham gia hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác. Luật sư phải luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, không có hành vi trái với quy định pháp luật.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần tăng cường hợp tác quốc tế về luật sư, tạo điều kiện để luật sư Việt Nam giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chủ động và tích cực tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các tranh chấp pháp lý quốc tế; phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, đào tạo đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ về chính sách thu hút luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác