Quốc hội kết thúc thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

(VOV5) - Đánh giá chung về phần thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có hơn 60 đại biểu đăng ký phát biểu và 5 thành viên Chính phủ tham gia giải trình. Không khí thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc. Nội dung sâu sắc, phong phú, đa dạng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Quốc hội kết thúc thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội  - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận thẳng thắn trên tất cả các lĩnh vực

Ngoài nội dung về tái cơ cấu nền  kinh tế, về mục tiêu phát triển trong 2 năm 2014- 2015, việc thu thuế, giãn thuế, các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ quan tâm hơn đến các gói kích thích kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là kích thích tiêu dùng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, Chính phủ cần gắn với chiến lược phát triển dài hạn, cần quan tâm ưu tiên thoả đáng cho các nguồn lực để xây dựng hệ thống quy hoạch, xác định cho được sản phẩm, lĩnh vực chủ lực của từng ngành để tập trung phát triển.

Đề cập vấn đề xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số đại biểu cho rằng tuy Việt Nam đã có thành tích ấn tượng trong những năm qua nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tốc độ giảm nghèo đang chậm lại. Đây là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay. Ông Lò Văn Mun, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, nêu ý kiến: "Tôi đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể các chính sách xoá đói giảm nghèo đã ban hành và đánh giá xem các chính sách đó đã đủ để giải toả, khắc phục những nguyên nhân và thúc đẩy các yếu tố để giảm nghèo hay chưa. Thứ 2, trên cơ sở tổng thể đó cần tính toán chi phí giảm nghèo cho trung và dài hạn, từ đó cấp cho các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số một khoản tiền tổng thể để thực hiện các chính sách, nhường quyền chủ động cho địa phương. Thứ 3, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc miền núi cần kiên trì vì đó là giải pháp giảm nghèo bền vững nhất cho vùng dân tộc thiểu số”. 

Phát biểu tổng kết phần thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao các thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình tại phiên họp này và đề nghị các bộ, ngành tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng tham mưu công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời những khó khăn, ách tắc của địa phương, của người dân trong phạm vi, thẩm quyền được giao”.

Chiều nay, thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể về thủy điện,  nhiều ý kiến đồng tình với việc Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch hơn 400 dự án thuỷ điện nhỏ. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ lo ngại về diện tích trồng rừng thay thế, về quy chế vận hành và quản lý các công trình thuỷ điện chưa được triển khai có hiệu quả cũng như đời sống người dân vùng tái định cư. Ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình, kiến nghị: "Cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về rà soát và thực hiện chính sách đối với dự án thuỷ điện để thực hiện giám sát của Quốc hội và là căn cứ ban hành chính sách để các địa phương tổ chức thực hiện. Đề nghị Chính phủ giải quyết dứt điểm đối với các công trình thuỷ điện chưa chấp hành quy trình vận hành liên hồ, kiểm định đập và phương án phòng chống lũ bão. Tiếp tục quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng di dân nhất là việc lập làng tái định cư, dành khoản vốn vay được hỗ trợ về lãi suất để bà con phát triển kinh tế”.

Sáng mai, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến dự toán ngân sách, kết quả 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác