Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7

(VOV5) - Thủ tướng nhấn mạnh ngoài việc cần coi trọng về số lượng, kịp tiến độ, phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Sáng nay (24/07), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 để thảo luận, xem xét cho ý kiến đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm; Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VOV

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ từ đầu năm nay, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Thủ tướng nhấn mạnh ngoài việc cần coi trọng về số lượng, kịp tiến độ, phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, Thủ tướng lưu ý phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, chăm lo chế độ, chính sách, từ đó nâng cao năng lực thực thi của cán bộ. Thủ tướng cho biết:"Phải đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế, ưu tiên chế độ chính sách cho những cán bộ tham gia xây dựng pháp luật để các cán bộ có điều kiện về thời gian, dành công sức, đam mê, trí tuệ của mình cho công việc. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong quá trình xây dựng luật”

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 - ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VOV

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả xây dựng luật. Cũng tại phiên họp, Thủ tướng cho biết Chính phủ cần xem xét thấu đáo chủ trương quan trọng là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, từ đó cụ thể hóa định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác