Tiếp tục phiên họp thứ 21 Ủy ban thường vụ Quốc hội

(VOV5) - Tiếp tục Phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ trong thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).  

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức có tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian. Nhiều ý kiến tán thành với nội dung dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề nghị báo cáo chỉ ra cụ thể những địa phương, cơ quan, đơn vị gây ra lãng phí đề có giải pháp đột phá nhằm đảm bảo từng ngành, lĩnh vực thực hiện hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có giải pháp khắc phục, nhất là trong công tác quản lý; công khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tạo lòng tin trong nhân dân.

Trước đó, sáng nay, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ 21 Ủy ban thường vụ Quốc hội  - ảnh 1
Phiên họp thứ 21 của UBTVQH khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)


Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) bổ sung sửa đổi một số quy định nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quy hoạch và bảo vệ môi trường; ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường…

Về việc đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng tất cả các dự án phải có đánh giá tác động môi trường nhưng cần quy định mức độ, tiêu chuẩn theo quy mô, mức độ của dự án. Theo ông Đào Trọng Thi: “Đánh giá tác động mội trường với dự án đầu tư nên làm 2 bước, đó là đánh giá tác động sơ bộ và chi tiết. Kinh nghiệm cho thấy không có đánh giá đó thì sau khi đã được duyệt chủ trương đầu tư và khi dự luận quan tâm thì mới phát hiện ra sơ hở và có thể dự án bị đình chỉ. Nếu ngay từ đầu đánh giá và không được duyệt chủ trương thì tránh lãng phí. Tôi nghĩ 2 bước đó là cần thiết”.

Nhiều đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung tài chính, ngân sách nhà nước và quỹ bảo vệ môi trường. Các đại biểu cho rằng cần quy định rõ các tiêu chuẩn, chế tài trong dự thảo luật, bởi có các chuẩn mực sẽ là cơ sở để thực hiện luật dễ dàng. Bên cạnh đó, cần xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ môi trường./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác