Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng

(VOV5) - Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng 18/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra đã phát hiện 73 vụ, 83 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng. Số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thấp hơn so với các năm trước.

Góp ý vào báo cáo, một số đại biểu cho rằng tuy đã đạt được kết quả tích cực nhưng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với các thủ đoạn tinh vi. Tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế. Công tác phòng ngừa, phát hiện xử lý hành vi tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng  - ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu ý kiến cho rằng việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện tham nhũng nên theo trọng điểm, ví dụ năm 2014 tập trung vào lĩnh vực xây dựng, cầu đường.




Các đại biểu cho rằng cần phân tích, đánh giá rõ hơn về tình hình tham nhũng dựa trên công tác điều tra, kiểm tra, báo cáo của các ngành và thông tin dư luận, báo chí để đề xuất các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Bên cạnh đó, phải xác định trách nhiệm của các cơ quan phòng chống tham nhũng, người đứng đầu các cơ quan này. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị: “Qua thanh tra kiểm tra phát hiện nhiều, nhưng xử lý ít, chuyển xử lý hình sự ít, chủ yếu là xử lý hành chính. Tôi đề nghị phân tích rõ thêm. Trong thời gian qua, tôi đánh giá cao vai trò của Mặt trật tổ quốc, báo chí trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng… Đề nghị cần thêm nữa các biện pháp, giải pháp để các cơ quan chuyên trách có trách nhiệm hơn, có biện pháp xử lý hiệu quả hơn.”

Cũng trong sáng 18/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2014.

Tiếp tục phiên họp thứ 21, chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng với các giải pháp được đề ra trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chủ trương này cần được nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể. Về nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên. Cụ thể là xác định rõ địa vị pháp lý của công chứng viên; trách nhiệm của công chứng viên về hoạt động hành nghề của mình; nâng cao yêu cầu đối với tiêu chuẩn công chứng viên; sửa đổi quy định về đào tạo và tập sự hành nghề công chứng; làm rõ hơn trách nhiệm của công chứng viên, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.../.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác