Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn hai thành viên Chính phủ

(VOV5) - Phiên chất vấn diễn ra ngày 18/4 trong khuôn khổ phiên họp thứ 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội  khóa XIV.


Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tập trung vào giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công; thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện. Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có trên 9 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số. Chính sách đối với người có công là chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời. Năm nay Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, là đợt sinh hoạt chính trj sâu rộng để đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, dịp này có 16 hoạt động cấp quốc gia, trọng tâm là lễ kỷ niệm tại Hà Nội, hội nghị biểu dương người có công toàn quốc... Trả lời chất vấn về việc nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng  Đào Ngọc Dung cho biết: Phải tập trung tái cơ cấu nguồn nhân lực để thúc đẩy năng suất lao động, hạn chế dùng  nhiều lao động phổ thông. Tập trung đào tạo theo phía thị trường cần nên phải tăng sự kết nối với doanh nghiệp; chú ý nâng cao kỹ năng tay nghề và kỹ năng mềm. Thứ 3 là đổi mới áp dụng công nghệ.   

Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn hai thành viên  Chính phủ - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội. Ảnh: vov.vn


Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử là nội dung  được nhiều đại biểu đề cập khi chất vấn Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn. Theo Bộ trưởng, sự phát triển và thu hút của mạng xã hội là xu thế tất yếu. Việt Nam không cần thiết phải hạn chế mà chủ động tận dụng để phục cuộc sống của người dân và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả, kích động thù hằn, xúc phạm danh dự uy tín cá nhân, tổ chức, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đây là thách thức với cơ quan quản lý. Để hạn chế tiêu cực từ mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết:   Bộ đã có Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và bước đầu đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Để đối phó hiệu quả nhất với thông tin giả thì cần thiết là phải có tính chính xác thông tin và kịp thời của thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Vì vậy việc quy hoạch báo chí, chấn chính tiêu cực, đảm bảo sự minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp căn bản nhất. Về giải pháp kỹ thuật, tới đây Bộ sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết, yêu cầu các doanh nghiệp như google, facebook phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đây là giải pháp then chốt về mặt kỹ thuật. Trong dài hạn, cần xây dựng mạng xã hội do doanh nghiệp tại việt Nam cung cấp dịch vụ có khả năng cạnh tranh với facebook tại Việt Nam. Giải pháp nữa là hợp tác quốc tế để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc.


Ủy ban thường vụ Quốc hội chất vấn hai thành viên  Chính phủ - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông. Ảnh: vov.vn


Về bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển an toàn thông tin quốc gia đến 2020, quyết định số 99 về đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin đến 2020. Ngoài ra Bộ cũng đang tiếp cận các quốc gia làm chủ công nghệ như Mỹ, Trung Quốc, Israel, Nga...để học hỏi kinh nghiệm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác