(VOV5) - Người dân nơi đây đã thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đem lại hiệu quả rất tốt, cuộc sống đã và đang thay đổi từng ngày.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong những ngày này khi đi đến các xã vùng biên giới bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, một bản chỉ có đồng bào người Mông sinh sống, sẽ thấy sự đổi khác với các hàng quán dịch vụ đa dạng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên; từng khu dân cư san sát, khoác thêm màu sắc mới.
Đường liên xã, liên bản được bê tông hóa, thuận tiện việc đi lại; trên khắp các sườn đồi là màu xanh của cây bưởi, cam, nhãn, những nương ngô, chè hiện hữu cuộc sống no ấm, đủ đầy. Điều đặc biệt là, người dân nơi đây đã thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đem lại hiệu quả rất tốt, cuộc sống đã và đang thay đổi từng ngày.
Mô hình trồng cây chanh leo, mận hậu trên đất dốc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: baosonla.org.vn |
Theo ông Tráng Láo Tú, Trưởng ban Công tác Mặt trận của bản Phiêng Cài, gia đình ông cũng là một trong những hộ của bản thoát nghèo vươn lên khá từ chăn nuôi đại gia súc và trồng cây quả trên đất dốc, cho biết đồng bào được như ngày nay là nhờ hàng tuần được tham gia từng buổi họp dân, cán bộ chủ chốt xã, huyện đã đi từng buổi đến từng nhà, rà từng ngõ tuyên truyền, vận động đồng bào trong bản, bắt kỹ hơn về chủ trương chính sách, tích cực lao động sản xuất: “Thực hiện theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cuộc sống sẽ khá hơn lên, con cái được học hành, có ăn có mặc. Gia đình nào không thực hiện theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì sẽ không chịu trồng được cây lúa cây ngô, gạo và sẽ không có của ăn của để.”
Bản Phiêng Cài có 88 hộ dân sinh sống, 100% là người dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp, với hơn 100 ha đất nông nghiệp, bà con trồng 45 ha lúa nương và 60 ha ngô. Để vận động bà con đưa các loại giống cây trồng mới năng suất cao vào sản xuất, Ban Quản lý bản đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, họp giữa trưởng các dòng họ để khảo sát và giúp các gia đình đăng ký trồng cây ăn quả...
Ông Tráng Láo Tú cho biết, nhờ những buổi được tập huấn, học hỏi trao đổi đó mà nhận thức của đồng bào đã thay đổi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng cây ăn quả trên đất dốc, đã mang lại đời sống ngày một khấm khá.
Cùng với đó, hiểu rõ về phong tục tập quán của đồng bào, tranh thủ được người có uy tín ở địa bàn, thông qua nguồn tin báo từ nhân dân, các lực lượng công an xã cũng tổ chức những buổi tuyên truyền, nói chuyện với dân, hướng dẫn người dân làm kinh tế, phát triển chăn nuôi phù hợp để đời sống vật chất và tinh thần ngày càng phát triển.
Đại úy Hà Văn Trọng, phó trưởng Công an xã Lóng Sập cho biết: qua các buổi tiếp xúc, gặp gỡ, hướng dẫn đồng bào, các tín đồ theo đạo cũng như người dân bản địa đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật: “Ngoài tuyên truyền cho toàn thể quần chúng nhân dân, chúng tôi cũng tập trung truyên truyền vận động các hộ gia đình, từng cá nhân để hiểu biết và tránh xa tệ nạn ma túy. Những đối tượng nào chưa nghe và thực hiện sống theo hiến pháp và pháp luật, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện cũng như trực tiếp hướng dẫn họ trong phát triển kinh tế gia đình.”
Căn cứ tình hình cụ thể, Ban thường vụ huyện ủy Mộc Châu vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội tại 10 bản biên giới đặc biệt khó khăn của huyện, trong đó có bản Phiêng Cài.
Bà Phạm Thị Nhung, phó Bí thư thường trực huyện ủy Mộc Châu khẳng định: Huyện đang quyết liệt thực hiện các biện pháp làm sao vừa nâng cao đời sống của nhân dân, vừa giải quyết tốt vấn đề an ninh trật tự: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế-xã hội, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Chúng tôi cũng cụ thể hóa mục tiêu cho phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và 5 năm. Căn cứ trên cơ sở rà soát tổng thể rồi, tới đây từng tổ công tác sẽ phải rà soát từng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ như thế nào để có bước chuyển tốt trong tổng thể chung của bản đó.”
Đồng bào bản Phiêng Cài rất hồ hởi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện trong bản có 30 hộ trồng chanh leo, hầu hết các hộ gia đình trồng cây mận hậu, hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định sản xuất. Nhờ công khó nhọc của người dân đã đem lại những mùa vàng bội thu.
Hiện này, chính quyền xã Lóng Sập-huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã đang kiến nghị huyện Mộc Châu có nhà máy chế biến nông sản để thu mua nông sản của bà con.
Trước mắt chính quyền xã hướng đến thành lập các tổ hợp tác xã, để bán sản phẩm của bà con, xã đã xây dựng lại kế hoạch các năm 2021-2025 xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là trồng chanh leo và chè.
Hy vọng, nông sản của đồng bào Mông bản Phiêng Cài trong thời gian tới sẽ được tiêu thụ mạnh mẽ trong địa bàn huyện và các vùng lân cận, qua đó, góp phần cải thiện đời sống đồng bào nơi đây ngày càng no ấm, đủ đầy.