(VOV5) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều buôn, bon, xã ở khu vực Tây Nguyên đã khởi sắc rõ rệt.
Tại xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, hệ thống điện, đường, trường trạm đã về tận thôn, buôn. Bà con nơi đây đồng lòng đẩy mạnh sản xuất, tích cực vươn lên làm giàu.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cư Suê là xã thuần nông với 80% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, chính quyền xã Cư Suê định hướng cho người dân phát triển mạnh về kinh tế, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giúp cho người dân nâng cao được thu nhập, ổn định đời sống.
Đường vào xã nông thôn mới Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Hiếu |
Nhờ đó, mọi chủ trương huy động đóng góp từ sức dân để xây dựng nông thôn mới đã có nhiều thuận lợi. Giai đoạn đầu của quá trình triển khai chương trình nông thôn mới, xã Cư Suê đã huy động được gần 43,3 tỷ đồng, trong đó vốn huy động do nhân dân tham gia đóng góp trên 12,5 tỷ đồng, khoảng 1.500 ngày công lao động, nhân dân còn tự nguyện hiến đất để cùng chính quyền hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.
Cảnh quan môi trường sạch sẽ, nhà cửa khang trang, người dân phấn khởi, đó là điều ai cũng cảm nhận rõ khi đi trên những con đường bê tông ngang dọc khắp buôn Sút Hluốt, xã Cư Sê, huyện Cư Mgar.
Bà H Đàn Niê, Buôn trưởng Buôn Sút Hluốt, tự hào từ một buôn nghèo nàn, lạc hậu, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, buôn Sút Hluốt đã thay đổi hoàn toàn. Giao thông thuận tiện, nông sản thông thương, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó, cơ hội học tập, nâng cao nhận thức cũng được mở ra.
“Từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới đã có sự thay đổi rất rõ ràng, nhất là về ý thức của người dân. Trước đây, người dân cư theo tập tục, tập quán như tang lễ hay tập trung đông người, từ khi thực hiện nông thôn mới đã rút ngắn thời gian để hợp vệ sinh hơn. Giao thông đi lại cũng được tiến bộ. Nhà cửa khang trang hơn, giảm đi một số hộ nghèo. Hiện nay, trẻ em trong độ tuổi đi học đã được đến trường” - Bà H Đàn Niê cho biết.
Giống như buôn Sút Hluôt, cả 10 thôn, buôn khách của xã Cư Suê cũng có những đổi thay tích cực từ xây dựng nông thôn mới. Đường giao thông kiên cố và điện lưới đã phủ khắp xã, giúp bà con có điều kiện đẩy mạnh sản xuất; văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư; tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 88%, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn, thường xuyên đạt gần 100%…
Phụ nữ xã Cư suê chăm sóc những đường hoa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ảnh: Đỗ Lan |
Ông Y Hoa Niê, người có uy tín buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê cho hay: “So với trước đây, đời sống của bà con khá lên vì đường giao thôn nông thôn được cấp phối, được bê tông, đường nhựa do nhà nước, nên làm bà con đã có đường sạch đẹp đi. Để phát triển kinh tế gia đình, bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cà phê. Do đó, tuy diện tích nhỏ nhưng sản lượng đạt hiệu quả cao. So với trước đây bà con cũng hiểu biết nhiều”.
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, cho biết xã có hơn 2.000 hộ gia đình, với gần 11.300 nhân khẩu sinh sống ở 11 thôn, buôn, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 60%. Trước đây, xã có tới 35% hộ thuộc diện nghèo, nhưng nhờ có nông thôn mới, đến nay, trong xã chỉ còn 3% hộ nghèo, hộ có thu nhập khá ngày càng tăng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52 triệu đồng. Hiện Cư Suê vẫn tiếp tục phấn đấu nâng chuẩn các tiêu chí và hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, Đảng uỷ, UBND xã tiếp tục xác định “phát triển để ổn định”, do đó trong các nghị quyết đề ra đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế.
Ông Đặng Văn Hoan cho biết: “Chính quyền kêu gọi bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ để làm sao thu mua chế biến các mặt hàng sản phẩm nguyên liệu từ địa phương. Tiếp tục xây dựng thêm 1 hợp tác xã cà phê bền vững ở địa phương để thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hợp tác xã, để làm sao nâng chuỗi giá trị cũng như hàng hoá chất lượng tốt lên. Cùng với đó, xây dựng du lịch cộng đồng để tái nghèo và phát triển kinh tế”
Với những kết quả đã đạt được, cùng với sự nỗ lực chăm lo của chính quyền địa phương và ý thức vươn lên, đồng bào Ê Đê ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, tin rằng đời sống sẽ ngày càng nâng lên, góp phần cùng các dân tộc trong tỉnh xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc.