(VOV5) - Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay.
Làng Bàu Trúc, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang 10km về hướng Nam. Đây là một trong những làng nghề làm gốm nổi tiếng ở Việt Nam. Nghề làm gốm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm gốm làng Bàu Trúc độc đáo và đặc biệt vì được làm hoàn toàn thủ công, khi nung không phủ men, thợ làm gốm hầu hết đều là phụ nữ.
Nghệ nhân Đào Thị Tuyết Hằng giới thiệu về sản phẩm làng gốm Bàu Trúc
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm làng Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông Poklong Chanh từ chối làm quan Triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê, lễ hội lớn nhất của người Chăm hàng năm tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm, tức tháng 10 dương lịch.
Nét độc đáo của nghề làm gốm làng Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở những nơi khác, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn dân làng Bàu Trúc vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Nghệ nhân Đào Thị Tuyết Hằng ở làng Bàu Trúc, cho biết: “Cát với đất pha theo tỷ lệ 3 đất 2 cát với sản phẩm nhỏ hoặc 7 đất 5 cát nếu là sản phẩm lớn. Động tác đặc sắc là người cứ xoay tròn. Xoay sao cho tròn, xoay càng lâu sản phẩm càng đẹp, càng tròn và cân đối. Cứ đi quay tròn, xoay người xong để khô rồi cạo, trà rồi tạo hoa văn, phơi khô một lần nữa rồi đem đi nung trong lò 1 ngày một đêm. Một ngày tính ra xoay như vậy thợ làm gốm phải đi bộ tới 7 đến 8 km. Sản phẩm đặc trưng là làm bằng tay không làm bằng khuôn nên không có cái nào giống cái nào”.
Nghệ nhân Đào Thị Tuyết Hằng trình diễn làm gốm ở Bảo tàng Dân tộc học, Thủ đô Hà Nội.
|
Gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác. Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật, có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc. Do không phủ men, nên gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, tính độc bản cao. Và đó cũng chính là yếu tố để nghề làm gốm ở đây nổi tiếng, vang xa. Anh Đài Trí Quyết, một người dân làng gốm Bàu Trúc, cho biết: “Nghề gốm làng Bàu Trúc là không có công cụ máy móc nào hỗ trợ cả, toàn làm bằng thủ công, bằng tay, xoay toàn thân để tạo thành sản phẩm gốm. Nung gốm cũng vậy hoàn toàn là cách truyền thống tức là nung lộ thiên ngoài trời, không dùng lò điện mà dùng củi, rơm, trấu. Gốm Bàu Trúc trải qua nhiều thăng trầm, với 2 giai đoạn phát triển. Trước kia, sản phẩm là gốm truyền thống, dân làng sản xuất chum đựng nước, chậu, bát, đồ rửa chén, nồi nấu cơm, niêu kho cá… Sau này, từ năm 2000 đến nay, người dân Bàu Trúc sáng tác ra những sản phẩm gốm mỹ nghệ, đây là thời kỳ hưng thịnh, phát triển của làng gốm Bàu Trúc”.
Khám phá làng gốm Bàu Trúc, du khách được xem các nghệ nhân tạo hình gốm với bàn tay nhuần nhuyễn, điêu luyện trong những thao tác kỹ thuật thật đẹp mắt. Du khách cũng có thể trải nghiệm các công đoạn làm nghề, tự tay làm ra sản phẩm. Chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề. Ông Hồ Sĩ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Chúng tôi đang làm hồ sơ để trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc - UNESCO, công nhận nghề làm gốm Bàu Trúc là di sản văn hóa phi đại diện của nhân loại. Tỉnh cũng ban hành kế hoạch bảo tồn hoạt động làm gốm Bàu Trúc. Cụ thể là duy trì hoạt động đào tạo, truyền nghề từ những nghệ nhân cao tuổi sang các thế hệ trẻ. Các hoạt động du lịch được tỉnh hỗ trợ quảng bá cho làng gốm Bầu Trúc để thu hút khách du lịch và giới thiệu cho các đơn vị lữ hành về đây cũng khá đông”.
Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 500 hộ dân thì có đến hơn 90% trong số đó vẫn làm nghề gốm. Sản phẩm gốm Bàu Trúc đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.