(VOV5) - Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang khai thác, phát huy, đánh thức thế mạnh tài nguyên bản địa khu vực nông thôn vào từng sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp biến nhiều tài nguyên bản địa chưa được khai thác, trở thành những sản phẩm chất lượng cao, được biết đến rộng rãi trên thị trường.
Thương hiệu OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang không ngừng được đẩy mạnh, giúp thiện rõ rệt cuộc sống người nông dân, đồng thời đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Sản phẩm OCOP của Đồng Tháp. Ảnh: VOV |
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 161 sản phẩm OCOP, trong đó có 54 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 104 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Để thực hiện ước mơ đưa sản phẩm bay cao, bay xa, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, Đồng Tháp đã ký kết với nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…. Sản phẩm OCOP của Đồng Tháp hiện đang được tiêu thụ tốt, nâng cao đáng kể thu nhập của người nông dân.
Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết:“Định hướng sắp tới thì chúng tôi đẩy mạnh vào bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng như các mã vạch để đạt đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hướng về lâu về dài thì chúng tôi sẽ đưa vào các sản phẩm này mục đích để xuất khẩu, để giúp cho bà con nông dân ở đây tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn”.
Trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP ở Sóc Trăng. Ảnh: VOV |
Tại Sóc Trăng, trong chiến lược phát triển sản phẩm OCOP, địa phương đặc biệt chú trọng việc xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua việc tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP. Về phần mình, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP chủ động tăng cường tuyên truyền quảng bá sản phẩm, song song với việc nâng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Kết quả là chỉ trong hai năm qua, các doanh nghiệp đã ký kết 25 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, 75 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp với các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối lớn, như Co.opMart, Lotte, Tứ Sơn...
Ông Dương Minh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cầm Thiều chuyên kinh doanh các sản phẩm Trà Mãng cầu, chia sẻ: “Việc marketing online và việc bán hàng online thì vẫn thực hiện diễn ra thường xuyên để tiếp cận người tiêu dùng. Hiện tại thì đa số người tiêu dùng cũng mua hàng thông qua kênh online nhiều. Mình đang tận dụng cái đó và thực hiện truyền thông quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử”.
Khoai lang sấy của Công ty TNHH Đông Phát Food (huyện Bình Tân - Vĩnh Long). Ảnh: VOV |
Tại tỉnh Vĩnh Long, chương trình OCOP cũng đang mang lại kết quả tích cực. Ngoài việc phát triển nhiều sản phẩm tiêu biểu tại địa phương, chương trình còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp cải thiện cuộc sống người nông dân. Trong định hướng xây dựng sản phẩm OCOP, Vĩnh Long tập trung vào 4 nhóm là thực phẩm đồ uống, sản phẩm lưu niệm, nội thất trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn.
Đến nay, địa phương đã công nhận 34 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao của 24 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Trong đó, có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 26 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Để đẩy mạnh hơn nữa chương trình OCOP, tỉnh Vĩnh Long đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, gắn với thực tế. Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết:“Tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường thông tin tuyên truyền cho các sản phẩm dịch vụ làng nghề nông thôn và tiến hành nâng cao năng lực cho các tổ chức cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình. Quan trọng nhất là thường xuyên đánh giá phân hạng, xếp loại các sản phẩm OCOP để tiến hành phát triển các sản phẩm này hoàn thiện trong thời gian tới”.
Với thế mạnh là thủy sản, trái cây và lúa gạo, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang khai thác, phát huy, đánh thức thế mạnh tài nguyên bản địa khu vực nông thôn vào từng sản phẩm OCOP, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người nông dân. Đến nay, toàn khu vực đã có hơn 500 sản phẩm OCOP được công nhận, nhiều sản phẩm đã chinh phục được thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội mỗi địa phương và cả khu vực.