Đông Hà – Xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Giang

(VOV5) - Đông Hà là xã vùng cao, nằm ở phía bắc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Từ một xã khó khăn, hạn chế về phát triển kinh tế, xã hội, giao thông... qua 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, Đông Hà đã hoàn thành các tiêu chí và trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Giang. 

Đông Hà – Xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Giang - ảnh 1
Những con đường liên thôn, nội đồng ở xã Đông Hà đã đến tận ruộng, giúp bà con thuận tiện trong canh tác

Nghe nội dung bài viết tại đây:





Những ngày này, bà con nhân dân xã Đông Hà bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa… Trên con đường bê tông liên thôn ra tận ruộng, từng chuyến xe bán tải, xe ngựa chất đầy những bông lúa vàng óng được bà con nhanh chóng vận chuyển về nhà. Năm nay bà con lại được mùa nên ai cũng phấn khởi, háo hức. Ông Dương Đức Thắng, thôn Nà Sài, cho biết: Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi giống cây trồng, kênh mương cung cấp đủ nước và được sự đầu tư về phân bón, giống cây trồng của Nhà nước, bà con nông dân năm nào cũng được mùa. Thu hoạch cũng nhanh hơn vì con đường bê tông nội đồng giúp xe ô tô đến từng ruộng để đưa lúa, ngô về nhà cho bà con. "Từ ngày hoàn thành nông thôn mới đời sống thay đổi nhiều. So với trước kia, đường đi dễ dàng, xe ô tô đến tận ruộng lúa, nhân dân có nhà văn hóa để hội họp. Kinh tế của hộ gia đình từng bước được nâng lên. Khi chưa xây dựng nông thôn mới, cả thôn có hơn 30 hộ nghèo, đến này chỉ còn 6 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trên 18 triệu đồng/năm" - ông Thắng nói.


Đông Hà – Xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Giang - ảnh 2
Nhà văn hóa thôn Nà Sài do Nhà nước và nhân dân cùng làm, trị giá hơn 1 tỷ đồng


Xã Đông Hà có 4 thôn và 10 dân tộc sinh sống với 622 hộ. Từ chỗ là một xã còn nhiều khó khăn, hạn chế về phát triển kinh tế, xã hội, giao thông, qua 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Đông Hà không ngừng thay đổi, đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Hà, cho biết: Ngày 4/7 vừa qua, xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Đông Hà là xã duy nhất của tỉnh Hà Giang và là xã đầu tiên trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ, đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới năm 2015. Theo ông Nghiệp: "
Ngay từ lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã đã thành lập ban chỉ đạo từ xã đến các thôn, phổ biến các nội dung, chương trình để người dân nắm bắt được. Từ đó, nhận được sự ủng hộ của người dân trong hiến đất để làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi. Được sự ủng hộ, nhiệt tình tham gia của người dân nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Đông Hà gặp rất nhiều thuận lợi".


Qua bốn năm triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn kinh phí đầu tư trên 8 tỷ đồng từ ngân sách, người dân xã Đông Hà tham gia hiến gần 9.500m2 đất; trên 9.000 ngày công lao động. Đồng thời, xã Đông Hà cũng đã vận động được nguồn kinh phí xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân được trên 270 triệu đồng để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.


Đông Hà – Xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Giang - ảnh 3
Nhà văn hóa thôn Nà Sài


Có được thành công này phải kể đến sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân xã Đông Hà, đặc biệt là xã đã công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấu hiệu và nhận thức cao về xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp chia sẻ: Từ cán bộ xã đến thôn, bản đều nắm bắt rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới và triển khai đồng bộ đến tất cả thôn bản, người dân. Khi hiểu mình là đối tượng thụ hưởng kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới thì nhân dân sẵn sàng tự nguyện đóng góp ngày công, vật chất, hiến đất cho cộng đồng để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa.
 "Phải khẳng định rằng sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân cũng như sự vào cuộc của cán bộ xã, thôn… đã giúp Đông Hà hoàn thành chương trình mục tiêu  Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau Lễ công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã xây dựng chương trình hành động để duy trì 19 tiêu chí đã được công nhận nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế xã hội, tăng thu nhập cho người dân. Xã tiếp tục vận động bà con nhân dân thực hiện các mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng" - ông Nghiệp khẳng định.


Với thế mạnh là nằm trên địa bàn huyện cửa ngõ của Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, xã Đông Hà hướng đến phát triển du lịch. Cùng với phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, trồng các loại cây dược liệu… du lịch hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi để bà con nhân dân nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác