(VOV5) - Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm đáng kể từ 4% đến 6% hộ nghèo/năm.
Huyện Hà Quảng ở tỉnh Cao Bằng, là huyện vùng cao biên giới, phía Bắc Việt Nam. Huyện có 21 xã, thị trấn, dân số đa phần là các dân tộc thiểu số. Do nằm ở vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn, lượng mưa trung bình hằng năm thấp gây thiếu nước sản xuất, khiến đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Huyện đang nỗ lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo trong năm 2025.
Một góc xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh |
Nghe âm thanh tại đây:
Trước đây, gia đình anh Lý Văn Nó ở xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, sinh sống trong ngôi nhà chật chội, dựng bằng các tấm ván cũ nát và cọc tre, nay, được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà rộng rãi, nền bê tông, cột gỗ, mái tôn, nên gia đình anh đã ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn: “Nhà tôi được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà ở. Nhà nước hỗ trợ 1 con bò cái để nuôi sinh sản. Nhà cũ dột nát giờ được hỗ trợ làm nhà mới, làm xong nhà mới vui lắm. Nhà cũ mưa to, gió lớn, sợ đổ, nguy hiểm, bây giờ mưa gió không sao, yên tâm rồi”.
Anh Lý Văn Nó cho trâu ăn. Ảnh: Ngọc Anh |
Gia đình anh Lý Văn Nó là một trong nhiều hộ được Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hà Quảng. Năm 2020, từ nguồn của Bộ Công an và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 826 hộ nghèo trên địa bàn huyện Hà Quảng có nhà mới. Huyện Hà Quảng là điểm sáng, đi đầu trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh Cao Bằng. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã xóa được 1.526 nhà tạm, nhà dột nát. Đến hết năm 2025, cơ bản những hộ gia đình có nhà tạm, nhà chưa an toàn sẽ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, cho biết: “Năm 2024, huyện Hà Quảng được giao xóa 1134 nhà tạm, nhà dột nát. 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã thực hiện được gần 450 nhà, đúng tiến độ đề ra. Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát có khó khăn, ví dụ làm nhà người ta phải xem tuổi, xem ngày, mặt bằng thì lại nhiều núi đá vôi nên xây dựng khó khăn. Biện pháp trước tiên chúng tôi tuyên truyền cho bà con để bà con hiểu tập quán nào có thể bỏ được thì khắc phục”.
Suối Lê Nin ở huyện Hà Quảng. Ảnh: Ngọc Anh |
Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Hà Quảng chỉ đạo tập trung theo công thức 3 cây + 2 con (thuốc lá, ngô, lạc, bò và lợn đen). Đến nay, mức thu nhập bình quân người dân ở huyện Hà Quảng đạt hơn 24 triệu đồng/người/năm (gần 1000 USD/người/năm), tăng gần 2 triệu đồng (gần 100 USD) so với năm 2021. Anh Hoàng Văn Sỹ, người dân ở xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, cho biết: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình chúng tôi rất khó khăn. Từ năm 2016, gia đình chuyển đổi giống cây trồng, trồng ngô lai, chăn nuôi lợn, gà để phát triển kinh tế. Thời gian qua, gia đình được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách để mua con giống, làm nhà. Nhờ thế, đến nay, nhà tôi đã thoát nghèo”.
Nhờ lợi thế có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó và có nhiều điểm di sản trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nên huyện Hà Quảng chú trọng phát triển du lịch. Huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng mạng lưới giao thông, viễn thông, nước sạch... Bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Thôn, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm để người dân đi lại được thuận tiện hơn. Cùng với đó là các mô hình về trồng cây mũi nhọn và nuôi trâu, bò sinh sản, chuyển đổi giống cây trồng, dong giềng, cây gai. Hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 1 đến 2 téc nước để đựng nước mưa. Chúng tôi đã đề xuất xây bể vuông và bể chứa nước công cộng cho các hộ gia đình để có đủ nước sinh hoạt. Hiện, trên địa bàn xã có chương trình cho vay hộ nghèo qua Ngân hàng chính sách xã hội. Hộ nghèo được vay tối đa là 100 triệu đồng (hơn 4000 USD), lãi suất 0,55%/tháng. Cơ bản các hộ nghèo, cận nghèo đã được tiếp cận vay vốn, hiện tổng dư nợ là trên 35 tỷ đồng (hơn 1,4 triệu USD)”.
Trong cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), huyện Hà Quảng đều triển khai khá nhiều dự án, tiểu dự án. Ông Phạm Xuân Tùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, cho biết: “Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Hà Quảng từ năm 2021 đến nay có những tiến bộ nhất định. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xóm. 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia, gần 100% xóm được tiếp cận sóng truyền thông. Hệ thống hồ chứa nước và các hệ thống kênh dẫn đã giúp cho đồng bào vùng cao có đủ nước sinh hoạt và một phần nước hỗ trợ sản xuất. Chúng tôi chú trọng hỗ trợ người dân về vốn sản xuất, về các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, rồi các mô hình sản sản xuất gắn với cộng đồng. Những hoạt động này tạo ra sinh kế và thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo huyện Hà Quảng từ năm 2020 đến nay có chuyển biến rõ rệt. Huyện phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo”.
Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm đáng kể từ 4% đến 6% hộ nghèo/năm, đời sống của người dân đã có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Kết quả này là động lực để huyện vươn lên thoát nghèo trong năm 2025.