Giữ lửa nghề mộc xưa ở Nam Bộ

(VOV5) - Nghề mộc từ lâu đã trở thành công việc ăn nên làm ra của nhiều bà con tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Dù là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, và dù trải qua bao thăng trầm, những người thợ nơi đây vẫn đang ngày ngày kiên trì theo đuổi để tạo ra những sản phẩm độc đáo, góp phần “giữ lửa” cho nghề, truyền lại cho thế hệ sau.

Tiếng cưa tay, cưa máy, bào cây, tiếng đục đẽo của máy khoan, quyện với mùi dâm bào … là những điều gắn liền như máu thịt với bà con các làng nghề mộc ở miền Tây Nam Bộ hàng chục năm qua. Bền bỉ với thời gian, sự khéo léo và đam mê với nghề cha ông đã giúp những người thợ tài hoa biến khúc gỗ thô sơ thành những cái bàn, cái ghế hay những chiếc ghe, xuồng, làm phong phú vật dụng trong nhà của bà con miệt vườn miền Tây.

Giữ lửa nghề mộc xưa ở Nam Bộ - ảnh 1Một sản phẩm ra đời phải qua nhiều công đoạn phức tạp. Ảnh: Báo An Giang

Theo nhiều bậc cao niên, nghề mộc có từ lâu đời và rất phát triển cho đến ngày nay. Rừng phương Nam thời ấy có nhiều gỗ quý, như: trắc, cẩm lai, gõ… dùng đóng, chế tác những vật dụng quan trọng trong nhà, như: tủ thờ, giường, phản, bàn ghế... Các loại cây gỗ tốt khác dùng làm cột nhà, ghe, thuyền, như: sao, bằng lăng, căm xe, … có ở khắp nơi. Những thợ giỏi thường ở các tỉnh miền Trung và Bắc, di cư vào Nam vừa hành nghề vừa truyền nghề, lập ra nhiều phường thợ nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Một trong những nơi nổi tiếng với nghề mộc đó là làng nghề chợ Thủ ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, làng nghề được mệnh danh "đệ nhất làng mộc và chạm khắc gỗ vùng đất miền Tây Nam bộ”. Làng nghề mộc Chợ Thủ được hình thành vào năm 1892.

Trải qua bao thăng trầm, sản phẩm của làng nghề phát triển và phong phú từ những đồ gia dụng đến các sản phẩm trạm trổ mỹ nghệ phục vụ du lịch, nổi tiếng với nhiều sản phẩm, như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế... Năm 2006, làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống với hơn 1.000 cơ sở, khoảng 2.000 thợ. Từ cái nôi này, nghề mộc phát triển ra 4 xã lân cận của huyện Chợ Mới.

Ông Trần Minh Đoàn, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cho biết: Nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Chợ Thủ là độ tinh xảo pha lẫn nét mộc và truyền thống, không lạm dụng khắc máy… bởi họ quan niệm dù máy móc chính xác đến đâu cũng không bằng đôi tay, khối óc của người thợ: "Cả 100 năm rồi, xứ của làng nghề, ở chợ mới có 5 làng nghề mộc. Mua bán bây giờ có nhiều cách làm rồi, do đó khác hồi xưa một chút. Bây giờ những cơ sở làm ra có cơ sở thu gom phân phối các tỉnh, đa số là cơ sở nhỏ. Tôi tính ra làm cũng được vài chục năm thôi, còn nhiều cơ sở khác cha truyền con nối kéo dài, thì có thể dài hơn, cũng làm ba đồ trang trí nội thất thôi, ai đặt gì làm nấy."

Giữ lửa nghề mộc xưa ở Nam Bộ - ảnh 2Để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, nghề chạm khắc gỗ cần rất nhiều dụng cụ chuyên dụng. Ảnh: Báo An Giang

Một làng nghề khác cũng ghi dấu trong lòng người miền Tây đó là làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, làng nghề đã tồn tại hơn 100 năm tuổi và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2015. 

Ông Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt), là một trong những người thợ luôn đau đáu với nghề mộc truyền thống, chia sẻ ông và nhiều người thợ mộc ở miền Tây, giữ nghề, phát triển nghề không chỉ vì kinh tế mà họ coi đó là trách nhiệm để nghề không bị mai một, đồng thời, lưu giữ nét riêng, độc đáo của nghề: "Ông bà xưa thường nói là “ruộng đất ê hề, không bằng cái nghề trong tay. Tôi là thế hệ thứ 4 rồi đó, thời ông cố, ông nội, bố rồi tới đời tôi. Tổ tiên ông bà để lại cái nghề truyền thống, rồi giữ mẫu mã lại, mực của cái chiếc thuyền, chiếc ghe đó của hồi xưa ông bà mình để lại đó, giữ lại đó để cho con, cháu biết… Mần nghề này phải yêu nghề, tâm huyết mới mần được, chứ còn không yêu nghề không làm được đâu."

Anh Nguyễn Minh Toàn, một thợ mộc có mấy chục năm trong trong nghề ở tỉnh Cà Mau, cho hay anh đến với nghề từ khi mới 14 tuổi. Cần mẫn làm quen với gỗ, với bào, đến khoảng 8 năm sau, anh Toàn đã trở thành một người thợ “cứng nghề”: "Nghề mộc này nếu làm cho đẹp, sắc sảo chắc phải tỉ mỉ, kỹ càng mới được. Cũng có nhiều người vô hỏi xin học lắm, học làm được thời gian thấy không được. Tay nghề người ta đến đó, người ta không chịu nữa, không tỉ mỹ, bắt buộc người ta phải nghỉ thôi. Trước kia làm tay hết, tất cả salon, tủ… người ta đục bằng tay hết, chứ không đục máy. Trước khi có máy nếu mà một bộ salon đục, hoàn thiện tầm nửa tháng, hơn nửa tháng. Bây giờ có máy, máy đục xong ghép 2-3 ngày là xong bộ salon."

Không chỉ yêu nghề, nhiều người đeo đuổi nghề mộc còn mong muốn giữ cho nghề không bị mai một. Chính sự khéo léo và đam mê ấy đã “hô biến” những thớ gỗ thô sơ thành những sản phẩm hữu ích trong cuộc sống đời thường. Với nhiều người, giữ nghề, phát triển nghề còn được xem là trách nhiệm để nghề không bị mai một, đồng thời, lưu giữ nét riêng, độc đáo của nghề mộc miền Tây.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác