Khám phá khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, tỉnh Cao Bằng

(VOV5) - Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước chọn hang Pác Bó ở và hoạt động Cách mạng thì Người đặt tên cho suối này là suối Lenin.   

Khu di tích Pác Bó nằm ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng hơn 50 km về phía Bắc, là điểm đầu (km 0) của đường Hồ Chí Minh. Khu di tích Pác Bó được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài (1911 - 1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc qua cột mốc 108 ở Pác Bó, trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách mạng Việt Nam. Pác Bó là nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử của Cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1941 đến năm 1945.
Khám phá khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, tỉnh Cao Bằng - ảnh 1Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Ảnh: Ngọc Anh

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó nổi tiếng với những thác nước đẹp mê hồn, những con suối trong vắt, những cánh rừng nguyên sinh trải dài, núi đá trùng điệp hiểm trở, cheo leo và những cánh đồng trù phú. Khu di tích này bao gồm: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài (đều trên núi Karl Marx), suối Lenin, cụm di tích Khuổi Nặm, cụm di tích Kim Đồng, nhà ông Dương Văn Đình…

Suối Lenin xưa kia được dân bản gọi là suối Khuổi Giàng, theo tiếng Tày có nghĩa suối Trời. Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước chọn hang Pác Bó ở và hoạt động Cách mạng thì Người đặt tên cho suối này là suối Lenin.   
Khám phá khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, tỉnh Cao Bằng - ảnh 2Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Ảnh: Ngọc Anh

Điểm dừng chân đầu tiên khi bạn tới tham quan khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình khởi công ngày 19/5/2010 và khánh thành ngày 19/5/2011, nhân dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2011).

Chị Đoàn Mai Hiên, người dân tộc Tày, hướng dẫn viên Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, cho biết: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng theo kiểu của nhà sàn dân tộc Tày, Nùng, mộc mạc, đơn sơ nhưng có tính biểu tượng cao. Ở vị trí trang trọng là bức hoành phi và đôi câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu phác thảo. Bức hoành phi “Hồng Nhật Cao Minh” là ví Chủ tịch Hồ Chí Minh như là ánh mặt trời đỏ, thanh cao, trong sáng, soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Đôi câu đối “Lãnh tụ trở về, Nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó. Anh hùng tụ lại tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng” với hàm ý là khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về hình ảnh như ánh mặt trăng, mặt trời. Từ đấy, những nhà cách mạng như những vị anh hùng tụ lại cho tinh hoa đất trời Cao Bằng rực sáng. Nằm ở vị trí trang trọng nhất của linh thờ đó là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tượng làm bằng hợp kim đồng, cao 1,8 m, nặng 1,26 tấn.

Khám phá khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, tỉnh Cao Bằng - ảnh 3Suối Lenin. Ảnh: Ngọc Anh

Khi mới về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại hang Pác Bó hay còn được gọi là hang Cốc Pó, rộng khoảng 15m2. Trong hang có tấm phản gỗ để Người nằm nghỉ, bếp lửa sưởi ấm, bàn đá nơi người làm việc, hay tảng đá Người hay ngồi câu cá cạnh suối Lenin, vườn trúc cạnh hang Người tự tay trồng… Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó chừng 1 km, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lâu nhất tại Pác Bó. Lán dựng theo kiểu nhà sàn, kín đáo thuận lợi cho việc quan sát và rút lui nếu có địch. Gần hang Pác Pó còn có hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu, là những nơi được Người sử dụng làm hòm thư bí mật.

Sau khi tham quan khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, anh Đỗ Trọng Đông, du khách Hà Nội, bày tỏ: Suối Lenin, núi Karl Marx, hang Pác Bó rất đẹp, đều là những điểm lịch sử gắn liền với hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Địa điểm gắn liền với lịch sử Cách mạng nên khi đến đây, có điều gì đó mãnh liệt trong trái tim mình về sự giáo dục cách mạng. Nơi đây là địa chỉ Đỏ Cách mạng, là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quay trở lại làm việc sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Tôi đã lên đây nhiều lần nhưng mỗi lần lên có cảm xúc riêng, thiêng liêng.

Cụm di tích Kim Đồng là một phần quan trọng của khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Mộ Kim Đồng nằm dưới chân núi Tèo Lài, thuộc làng Nà Mạ. Kim Đồng, người dân tộc Tày, tên thật là Nông Văn Dền. Kim Đồng làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Kim Đồng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bên bờ suối Lenin ngày 15/2/1943, khi mới 14 tuổi. Tại khu di tích Pác Pó còn có nhà ông Dương Văn Đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nói chuyện về cuộc sống của nhân dân, nỗi khổ của người dân mất nước, tuyên truyền về Cách mạng.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tại tỉnh Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, danh lam thắng cảnh đẹp mà còn là nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1941 - 1945.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác