Nghe âm thanh bài tại đây:
Nghề này đã được nhiều thế hệ dân làng “cha truyền, con nối”, với những kỹ thuật, bí quyết riêng đã tạo nên thương hiệu áo dài Trạch Xá từ bao đời nay. Vừa qua, nghề may áo dài của làng vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km, làng nghề Trạch Xá, huyện Ứng Hòa được mệnh danh là cái nôi của áo dài truyền thống. Đây là ngôi làng đặc biệt khi “đàn ông khâu vá, đàn bà cấy cày”. Theo đó, đàn ông trong làng được cha ông truyền nghề, là người thợ chính duy trì hoạt động may áo dài của gia đình, trực tiếp thực hành các bước thiết kế, cắt, may giữ nghề qua hơn 1.000 năm lịch sử. Đến nay, khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ cũng đã được truyền dạy nghề may áo dài như nam giới.
Đình làng Trạch Xá thờ Tổ nghề may. Ảnh: Nhã Uyên/qdnd.vn |
Nghệ nhân Vũ Thị Hằng, làng Trạch Xá, cho biết: "Ngày xưa, khi chưa có máy móc, đàn ông Trạch Xá chỉ mang cái kéo, cây kim, cái thước đi khắp nơi để may áo dài. Bây giờ, thời đại phát triển, không chỉ con gái, mà con dâu, con rể trong làng cũng đều được truyền nghề.
Làng Trạch Xá hiện có hơn 500 hộ dân, phần lớn sinh sống bằng nghề may áo dài. Trẻ em trong làng từ 6 đến 7 tuổi đã được làm quen với việc may, đo, đến khi 15-16 tuổi là có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống. Nhiều gia đình gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác, 3-4 thế hệ và trong làng có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân.
Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt chia sẻ:"Đây là nghề cha truyền, con nối, có từ xa xưa. Vậy nên tôi làm nghề này từ bé. Ngày xưa chúng tôi học, ban đầu, các cụ cho cầm kim, sau đó học khâu… Làm nghề này phải có thời gian, ngoài ra còn phải có dòng máu ở trong người, cha truyền con nối nên mới học nhanh được. Con em Trạch Xá học may áo dài, từ kiểu truyền thống đến hiện đại, đều biết làm. Chị em trong làng cũng có tay nghề, nhưng không thể nào đẹp bằng đàn ông Trạch Xá làm. Đàn ông Trạch Xá có bí quyết may áo dài riêng nên khi lên áo rất đẹp. Các con nhà tôi cũng theo nghề này. Trong làng, nếu chị em, anh em mà không biết nghề thì chúng tôi cũng dạy và truyền nghề, làm sao để giữ được bản sắc làng nghề.
Điều đặc biệt làm nên thương hiệu làng nghề Trạch Xá chính là kỹ thuật khâu tay dọc, trong khi hầu hết nơi khác khâu tay ngang. Kỹ thuật này giúp giấu hoàn toàn các đường kim, mũi chỉ vào phía bên trong vạt áo.
Kỹ thuật may áo dài đặc trưng ở làng Trạch Xá là khâu tay dọc, trong khi hầu hết các nơi khác đều khâu tay ngang. Ảnh: Nhã Uyên/qdnd.vn |
Nghệ nhân Đỗ Minh Tám, làng Trạch Xá, hơn 40 gắn bó với nghề truyền thống, chia sẻ: "Trên một đường tà áo, chúng tôi dùng tới 7 đường chỉ, gồm 1 đường chỉ máy, 3 đường chỉ khâu và 3 đường chỉ lược mới khâu nên được 1 tà áo. Bất kể người thợ nào ở làng Trạch Xá đều phải thuộc câu của các cụ dạy để làm nghề khâu, đó là “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Chúng tôi gọi đây là bí quyết, phải làm đúng như thế.
Để may được bộ áo dài đẹp, nghệ nhân phải hoàn thành các công đoạn tỉ mỉ mà chỉ có những người trong nghề mới có thể khéo léo thực hiện được. Từng bộ áo dài được may theo số đo riêng, vừa vặn, với mũi chỉ đều tăm tắp, nhưng tà áo vẫn mềm mại, thướt tha. Chính vì vậy, chỉ tính riêng công khâu áo dài Trạch Xá khoảng 350.000 đồng/chiếc; khi lên áo, tùy vào chất liệu vải, hoa văn đính kèm mà áo dài có giá khác nhau. Có những sản phẩm độc đáo đính đá, thêu tay nghệ thuật… khoảng 20 triệu đồng/bộ, hoặc có những bộ áo dài đặc biệt được khách đặt may lên tới 100 - 200 triệu đồng/bộ. Thời điểm bận rộn nhất trong năm của làng Trạch Xá là tháng 10 và 11, khi nhu cầu may áo dài diện Tết của người dân tăng cao. Cùng với sự phát triển của nghề, diện mạo làng Trạch Xá ngày nay cũng có nhiều đổi thay. Bên cạnh những con đường làng trải bê tông sạch sẽ, là những ngôi nhà xây hiện đại, khang trang, đời sống người dân đầy đủ, no ấm.
Tiếp nối truyền thống cha ông làng nghề Trạch Xá, nhiều người trong làng đã mở được cửa hàng riêng, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con dân làng, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng của làng nghề ngàn năm tuổi.
"Nghề truyền thống này tôi bắt đầu học cách đây hơn 10 năm, vào thời điểm làng nghề đang phát triển. Tôi học nghề, sau đó về dạy cho anh em trong nhà cùng làm. Công việc này cũng ổn định, nên chúng tôi chọn tiếp bước của ông cha."
"Điều tự hào nhất là tôi được sinh ra ở làng nghề may áo dài truyền thống. Tôi cũng học hỏi được nhiều từ các cụ, các cậu, các bác trong gia đình về nghề này."
Hiện, sản phẩm áo dài Trạch Xá thường được giới thiệu trong nhiều sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội, như: Lễ hội du lịch áo dài Hà Nội; lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội; trưng bày, giới thiệu áo dài trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam... Từ đó, nhiều hàng may trong làng cũng có cơ hội mở rộng các mối kinh doanh ra nhiều tỉnh thành trong nước và nước ngoài. Sản phẩm may mặc làng Trạch Xá đã xuất khẩu sang 1 số thị trường, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ...
Năm 2004, làng Trạch Xá được công nhận là “Làng may áo dài truyền thống". Cuối tháng 12 vừa qua, nghề may của làng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân làng, là nguồn động lực để những nghệ nhân, những người con làng Trạch Xá tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của quê hương cũng như khẳng định giá trị của áo dài Trạch Xá trên thị trường. Đây cũng là cách để người dân Trạch Xá góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.