Nghề gốm của người M’nông-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Đắk Lắk

(VOV5) - Tỉnh Đắk Lắk vừa có thêm một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận, đó là Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Mnông Rlăm, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Việc nghề gốm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mở ra thêm nhiều cơ hội bảo tồn, phát triển nghề gốm của đồng bào dân tộc M’nông Rlăm.

Xã Yang Tao, huyện Lăk, có 90% dân số là người M’nông Rlăm. Từ xa xưa, nơi đây đã nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống. Xuất phát từ quá trình lao động, sáng tạo những người con đồng bào M’nông Rlăm đã tận dụng đất sét dưới chân đồi để làm những vật dụng cần thiết. Trước là phục vụ nhu cầu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, sau là để trao đổi với bà con đồng bào Ê đê, Jarai ở các vùng lân cận.

Nghề gốm của người M’nông-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Đắk Lắk - ảnh 1Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người M’nông ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: H’Xíu/VOV

Phụ nữ Yang Tao hầu như ai cũng biết làm đồ gốm, bởi các sản phẩm gốm mang lại giá trị kinh tế cao. Cuộc sống người dân trong xã Yang Tao đầy đủ và no ấm nhờ nghề gốm… Những sản phẩm gốm tuy không đa dạng, nhiều màu sắc nhưng chứa đựng những ký ức về quá trình hình thành và phát triển của xã Yang Tao từ xưa tới nay.

Bà H’Phiết Uông, nghệ nhân làm gốm, chia sẻ: "Đồng bào M’nông Rlăm thường dùng đồ gốm để nấu cơm, nấu canh, bát ăn cơm. Nấu cơm bằng nối đất ăn rất ngon."

Dù xã hội ngày một phát triển nhưng quy trình chế tác gốm của người M’nông Rlăm vẫn giữ nét nguyên thủy, cổ xưa. Đất sét sau khi lấy về không pha trộn, được giã nhuyễn rồi mới bắt đầu tạo hình. Trong quá trình tạo hình không dùng bàn xoay. Đất sét được đặt lên một khúc gỗ lớn và người nghệ nhân di chuyển vòng tròn xung quanh để tạo hình cho sản phẩm của mình.

Đây là công đoạn khó nhất của người làm gốm bởi hoàn toàn dựa trên đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân mà không có một thiết bị máy móc hỗ trợ.  Khi những sản phẩm gốm được nặn xong sẽ được phơi cho bớt nước và khô dần… Khi đó, người thợ dùng những que tre, que củi hoặc lông con nhím bắt đầu vẽ hoa văn lên các sản phẩm. Hoa văn cũng rất đơn giản, có thể là những vòng tròn xung quanh miệng nồi, ché, chõ; có thể là cỏ cây, hoa lá cách điệu hoặc có thể là các đường hình học đơn giản. Chờ 1 đến 2 ngày để cho sản phẩm khô thêm, người thợ dùng viên sỏi thật bóng chà sát liên tục lên bề mặt các sản phẩm để tạo độ bóng, vàng láng. Sau bước này, sản phẩm được phơi khô hoàn toàn rồi mới tiến hành nung.

Nghề gốm của người M’nông-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Đắk Lắk - ảnh 2Mỗi sản phẩm gốm M’nông mang một đặc trưng và sắc thái riêng, là sản phẩm "độc bản". Ảnh: H’Xíu/VOV

Kỹ thuật nung gốm của người người M’nông Rlăm rất đặc biệt, không dùng lò mà nung lộ thiên. Sẽ mất khoảng 30 phút để kết thúc quá trình nung rồi sau đó, các sản phẩm được lấy ra đem ủ trong vỏ trấu vài phút để tạo men và độ bền.

Tiến sỹ Lương Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết: "Đất làm gốm của người M’nông Rlăm không có trộn thêm bất kỳ nguyên liệu nào khác. Đồng bào lấy đất về giã ra và nặn. Sau khi nung, sản phẩm gốm vẫn bền, đẹp. Cư dân quanh vùng sử dụng khá nhiều và cho đến hiện nay cũng vẫn có rất nhiều người sử dụng."

Những năm gần đây, nhờ du lịch phát triển, nghề gốm của người M’nông Rlăm nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách khi tới xã Yang Tao. Bởi vậy, những sản phẩm gốm được các nghệ nhân cho ra lò cũng đa dạng hơn, không chỉ là những dụng cụ bếp núc mà đôi khi còn làm theo yêu cầu của khách hàng với đủ loại kích thước lớn, nhỏ. Sự đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng cao của sản phẩm gốm đang giúp các nghệ nhân ở xã Yang Tao có thêm nguồn thu nhập.

Ông Y Thơ Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao, huyện Lắk, cho biết với việc nghề gốm truyền thống của người M’nông Rlăm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội bảo tồn, phát triển nghề gốm, xây dựng sản phẩm đặc trưng và hình thành thị trường rộng hơn cho sản phẩm gốm này: "Chủ trương của huyện và Chương trình mục tiêu quốc gia là tiếp tục phát huy, gìn giữ nghề làm gốm của dân tộc Mnông. Tôi cũng rất mong tất cả ban ngành của huyện, của tỉnh, đặc biệt là ngành du lịch, trở thành cầu nối để giới thiệu quảng bá về nơi sản xuất gốm của người Mnông."

Hiện nay, khoảng 13 nghệ nhân ở Buôn Yôk Đuôn và Buôn Dơng Băk đang nắm giữ kỹ thuật làm gốm. Ngoài ra còn có 29 người chỉ làm được các sản phẩm đơn giản, phục vụ trong sinh hoạt gia đình. Do đó, cùng với việc duy trì nhiệt huyết của các nghệ nhân, thời gian qua, huyện Lắk và tỉnh Đắk Lắk đã mở nhiều lớp dạy nghề cho các bạn trẻ để bảo tồn tinh hoa của nghề làm gốm thủ công truyền thống của người M’nông Rlăm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác