(VOV5) - Lồng chim của làng Canh Hoạch được ưa chuộng ở cả trong nước và nước ngoài.
Làng Canh Hoạch, thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội không chỉ là vùng đất truyền thống khoa cử với 2 Trạng nguyên mà còn được biết tới là làng nghề làm lồng chim nổi tiếng cả nước. Lồng chim của làng Canh Hoạch được ưa chuộng ở cả trong nước và nước ngoài.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch có từ lâu đời, theo lối cha truyền con nối, tính đến nay đã có cả trăm năm lịch sử. Người được xem là ông tổ làng nghề là nghệ nhân Nguyễn Văn Tý. Cụ Nguyễn Văn Tý truyền nghề cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (nghệ danh thường gọi là cụ Ba Mi),sinh thời có “đôi tay vàng” nức tiếng gần xa.
Hiện nay con trai cụ Ba Mi là ông Nguyễn Văn Nghệ, người được phong danh hiệu nghệ nhân duy nhất trong làng. Ông Nguyễn Văn Nghệ luôn tự hào vì gia đình mình vinh dự làm gần chục chiếc lồng chim theo “đơn đặt hàng” của ông Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch ở thủ đô Hà Nội.
Cổng làng Canh Hoạch. |
Lồng chim làng Canh Hoạch (tên nôm là làng Vác) luôn có đặc trưng riêng mà ít nơi nào có thể sánh được, đó là sự bền, đẹp và sang trọng có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích chơi chim. Để làm được những chiếc lồng chim bền đẹp, phải tỉ mỉ từ công đoạn chọn nguyên liệu. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cho biết: “Vật liệu làm lồng chim bằng tre, nứa, trúc. Trúc phải lên Cao Bằng, tre sang Vĩnh Phúc để mua. Tre thì chọn những cây tre không bị nổi củ, gốc củ vẫn còn chìm ở dưới đất mọc lên thì cây tre tốt. Nếu tre đủ tay, đủ mắt, mầm măng thì dùng rất bền. Sau đó mang tre về bổ ra, uốn, nắn cho vào nồi luộc 12 tiếng rồi ngâm trong bùn 10-15 ngày để đảm bảo độ bền cao. Cái lồng có đẹp, có chuẩn hay không là khi ngắm lồng ngồi bên này nhìn sang bên kia cái nan bên này lấp che khuất nan bên kia. Mỗi loại lồng phù hợp với từng loại chim.”
Đình làng Canh Hoạch. |
Ngay khi đến đầu làng, du khách đã thấy được không khí làng nghề sôi động với những chiếc lồng chim được bày thành hàng dài hai bên đường, những người thợ cần mẫn vót tre, trúc và tiếng máy cắt, xẻ rào rào. Anh Nguyễn Văn Khanh, chủ xưởng làm lồng chim lớn nhất làng Canh Hoạch, cho biết: “Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng cách đây 5 năm. Mỗi ngày làng bán ra khoảng 3.000 lồng chim, hàng chục xe ô tô chở lồng chim đi bán ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam. Trước đây cả làng làm lồng chim, hiện nay có khoảng 500 hộ làm lồng chim,. Nhà tôi bán buôn, lồng cao cấp giá từ 1,5 triệu đồng, lồng thường 600 ngàn đồng. Xưởng nhà tôi không chỉ bán trong nước mà còn bán ra nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Australia. Trong đó, Singapore xuất hàng nhiều nhất, mỗi tháng từ 50 - 70 lồng.”
Anh Nguyễn Văn Khanh giới thiệu các sản phẩm lồng chim. |
Lồng chim làng Canh Hoạch phong phú, đa dạng, đủ hình dạng và kích cỡ, từ lồng tròn, vuông, hình tháp, vòm, lục lăng… Sản phẩm lồng chim tinh tế từ nan lồng đến phần đế. Những nan tre được vót nhỏ, chuốt đều tay, trăm nan như một. Phần đế lồng thường làm từ gỗ thị và mít vì không bị mối mọt, mềm nên dễ chạm khắc.
Các chi tiết trên lồng được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, minh họa các tích xưa như Ngũ Long tranh châu, Thập bát La Hán, hoặc dựa theo bức tranh dân gian Đông Hồ đám cưới chuột; hay hình ảnh tứ linh: long, ly, quy, phượng; tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai. Công phu nhất là loại lồng Bát Tiên, mỗi chân lồng chạm khắc 8 vị Tiên, tổng cộng 3 chân lồng là 24 vị Tiên. Anh Trần Văn Thảo, người từng làm nghề ở làng Canh Hoạch, cho biết: “Chế tác thành phẩm lồng chim có rất nhiều khâu như vót công, khoan vanh, uốn công, dựng lồng, làm chót, làm gánh, khắc chân, hơ lửa, quét dầu bóng nếu khách yêu cầu, có khi khách hàng muốn để mộc. Trong các công đoạn chế tác đó thì công đoạn làm vanh, khoan vanh và uốn vai lồng là quan trọng nhất. Bởi khi dựng lồng lên lồng chim lên lồng phải thẳng, vai vuông, các vanh phải cân đối với nhau thì mới tạo nên cái lồng đẹp. Làng Vác không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm. Lồng chim làng Vác được khách hàng tin dùng vì có những loại lồng làm thủ công bằng tay”.
Sản phẩm lồng chim của làng Canh Hoạch đã có thương hiệu, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật nhờ đôi tay khéo léo của người thợ. Trước đây, làng có nghề truyền thống làm nghề quạt giấy, nay nhiều hộ chuyển sang nghề làm lồng chim phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cuộc sống nhiều người dân làng Canh Hoạch đã khá giả nhờ nghề thủ công mà ông cha truyền lại.