Người dân xã Vân Sơn, tỉnh Hòa Bình trồng cây có múi để giảm nghèo

(VOV5) - Xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc là nơi trồng cây có múi nổi tiếng ở tỉnh Hòa Bình. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây khoai, ngô, sắn sang cây bưởi, cam, quýt, nhiều người dân xã Vân Sơn đã từng bước vươn lên làm giàu.

Xã Vân Sơn cách trung tâm huyện Tân Lạc 20 km về phía Tây Bắc. Xã có 17 xóm, dân số khoảng 5.600 người, trong đó, dân tộc Mường chiếm đa số, 98%.

Người dân xã Vân Sơn, tỉnh Hòa Bình trồng cây có múi để giảm nghèo - ảnh 1Người dân xã Vân Sơn đóng gói quýt bán cho thương lái. Ảnh: Ngọc Anh

Ở xã Vân Sơn, người dân đã khôi phục trồng lại giống quýt Nam Sơn (giống quýt được trồng từ trước những năm 50 của thế kỷ trước ở xã Nam Sơn nay sát nhập vào xã Vân Sơn). Giống quýt này người dân quen gọi là quýt cổ. Quýt Nam Sơn nổi tiếng bởi vỏ mỏng, múi dày, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng. Cây quýt được công nhận nhãn hiệu tập thể “Quýt Nam Sơn” năm 2018. Ngoài quýt, nông dân nơi đây còn trồng cây cam canh và cam lòng vàng, bưởi đào Tân Lạc hay còn được gọi là bưởi đỏ Tân Lạc. Đây là giống bưởi cho năng suất rất cao, khi chín múi bưởi có màu hồng đỏ, mọng nước, giòn, ngọt. Cây bưởi này cũng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc” năm 2017.

Anh Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Cây ăn quả huyện Tân Lạc đã có thương hiệu và vị trí nhất định trên thị trường, như: bưởi, quýt. Chúng tôi đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đối với bưởi đỏ Tân Lạc và đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Bưởi đỏ Tân Lạc đã được xuất khẩu sang thị trường Anh. Quýt cổ Nam Sơn cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình."

Người dân xã Vân Sơn, tỉnh Hòa Bình trồng cây có múi để giảm nghèo - ảnh 2Nông dân xã Vân Sơn thăm vườn quýt. Ảnh: Ngọc Anh

Nhờ thích hợp thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu địa phương, cây quýt, cam canh sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất quả cao. Vào vụ thu hoạch, tháng 11, tháng 12 hằng năm, khắp các sườn đồi dọc các xóm: Tớn, Bương, Rồ, Xôm… ở xã Vân Sơn, cam, quýt sai trĩu cành, vàng rực cả một vùng đồi núi. 

Anh Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Sơn, cho biết: "Cây mũi nhọn phát triển kinh tế trên địa bàn xã chúng tôi xác định là cây quýt cổ. Trước đây, trồng sắn, ngô, khoai, nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ trồng những cây không có giá trị kinh tế cao, trồng cây quýt. Xã có hơn 500 ha quýt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phủ khắp 17/17 xóm trồng cây có múi này. Giá quýt thương lái mua tại vườn là 40.000 đồng/kg (hơn 1,6 USD/kg). Vừa qua, xã Vân Sơn phối hợp với huyện Tân Lạc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, tìm đầu ra cho nông sản bà con sản xuất ở trên địa bàn. Nhiều thương lái đã tìm đến tận vườn người nông dân để thu mua nông sản."

Phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các cây rau màu giá trị kinh tế thấp sang trồng cam, quýt đã lan rộng ra khắp xã Vân Sơn. Nhờ trồng cam, quýt, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định.

Anh Hà Văn Chanh, người dân ở xóm Xôm, xã Vân Sơn, cho biết: "Trước đây trồng ngô, khoai, sắn, nhưng gần đây từ khi có giống cây cam canh này bà con nhân dân chuyển đổi canh tác cây cam. Kinh tế cuộc sống thay đổi, tuy chưa nhiều, nhưng kinh tế tạm ổn. Trồng cây cam hiệu quả kinh tế cao nên bà con dần dần trồng thành vườn. Thu hoạch 1 năm 1 vụ. Hiện nhà trồng 2.000 cây cam, kinh tế đủ ăn, thu nhập lãi khoảng 100 triệu đồng/năm (gần 4.100 USD/năm)."

Người dân xã Vân Sơn, tỉnh Hòa Bình trồng cây có múi để giảm nghèo - ảnh 3Chị Đinh Thị Quyết, ở xóm Xôm, xã Vân Sơn. Ảnh: Ngọc Anh

Để có đầu ra ổn định, các nhà vườn liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, đảm bảo giá thành. Nhờ đó, có những hộ dân lãi 1 tỷ đồng/năm (gần 41.000 USD/năm). Chị Đinh Thị Quyết, người dân xóm Xôm, xã Vân Sơn, cho biết: "Gia đình hiện đang trồng hơn 1000 cây cam, cây quýt. Hiện, gia đình thu 1 vụ khoảng 20 tấn, thương lái đến tận vườn để thu mua. Gia đình tôi có 6 người, bình quân 1 người, thu nhập tiền lãi 200 triệu đồng/người/năm (gần 8.200 USD/người/năm). Nhờ trồng cam, quýt gia đình tôi xây được nhà, mua xe máy, máy làm cỏ. Thời gian tới, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng, để kinh tế gia đình phát triển tốt hơn. Chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn cho bà con. Qua đó, bà con có kinh nghiệm, áp dụng để trồng trọt. Các hộ gia đình được xã hỗ trợ vay vốn làm kinh tế. Ở đây, làm hồ sơ vay vốn thuận tiện, nhanh."

Dù là xã đặc biệt khó khăn ở tỉnh Hòa Bình, song những năm qua, cuộc sống người dân xã Vân Sơn được cải thiện đáng kể. Bưởi, cam, quýt của xã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, như: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… Việc cây có múi ở địa phương được sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, tập trung và áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã tạo ra sản phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác