(VOV5) - Bản Tùn Trên nằm cách trung tâm xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai hơn 9km, hiện có 57 hộ người Dao sinh sống. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, qua các dự án phát triển chăn nuôi, cùng với nỗ lực vượt khó của từng hộ dân, cuộc sống của đồng bào Dao nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Dao ở Tùn Trên được biết đến là những người cần cù, chăm chỉ và tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều hộ người Dao ở bản Tùn Trên chỉ thực sự đổi thay khi họ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế qua sự hỗ trợ của các dự án. Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai triển khai Dự án nuôi ngựa hàng hóa.
Anh Triệu Vạn Ngân, người bản Tùn Trên, được dự án hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết hợp với nguồn vốn của gia đình, anh mua 3 con ngưạ sinh sản, sau hơn 3 năm nuôi, đàn ngựa đã sinh sản, cuối năm 2018 vừa qua, anh Khuân bán được 65 triệu đồng ngựa giống. Trả xong vốn vay, gia đình anh Triệu Vạn Khuân hiện vẫn còn 3 con ngựa và 5 con trâu sinh sản. Hầu hết các con vật này đều được nuôi hữu cơ bằng cỏ tự nhiên nên gần như gia đình không phải đầu tư chi phí, chỉ trừ công chăn thả. Đây được xem là nguồn thu bền vững giúp gia đình anh Khuân không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá của bản Tùn Trên.
Từ phát triển chăn nuôi ngựa đã giúp gia đình anh Triệu Vạn Ngân có thu nhập đáng kể. - Ảnh: Phương Liên/Laocaitv |
Anh Triệu Vạn Ngân cho biết: "Lúc đầu nuôi 2 con ngựa, khi có dự án được cho vay 3 con. Mỗi năm cũng bán một vài con, to 18 triệu, nhỏ 15 triệu, chủ yếu chăn thả tự nhiên thôi."
Do điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, nên gia súc ở bản Tùn Trên đều được chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên, các gia đình không phải đầu tư chi phí. Đây được xem là lợi thế và là nguồn thu bền vững giúp các gia đình ở bản Tùn Trên thoát nghèo.
Để nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trong xã, từ nguồn Quỹ phát phát triển do Hội Nông dân tỉnh đầu tư, Hội Nông dân xã Dương Quỳ đã triển khai thành công mô hình nuôi ngựa trong hơn 3 năm qua. Với nguồn vốn giai đoạn đầu là 300 triệu đồng, 10 hộ tham gia, sau khi dự án kết thúc giai đoạn 1, tất cả các hộ vay vốn đã hoàn gốc. Nhận thấy hiệu quả, quỹ tiếp tục tái đầu tư với nguồn vốn ưu đãi 800 triệu đồng; giai đoạn 2 mở rộng thêm, tạo điều kiện cho trên 20 hộ ở Tùn Trên tham gia. Hiện tại, bà con đã hoàn vốn cả 2 giai đoạn và toàn thôn đang duy trì tổng đàn ngựa lên đến 120 con.
Ông Hoàng Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Quỳ, cho biết: "Nuôi ngựa là dự án thành công nhất, thời gian tới thì xã Dương Quỳ sẽ xây dựng dự án nuôi cá khoảng 500 triệu cho 10 hộ vay ở thôn Na Hin."
Bản Tùn Trên có 57 hộ gia đình, trong đó, trên 30 hộ đang duy trì hiệu quả mô hình nuôi ngựa. Bên cạnh đó, các hộ khác cũng phát triển đàn dê, trâu và lợn đen bản địa. Duy trì diện tích rừng, nhiều hộ gia đình ở Tùn Trên cũng mở rộng canh tác nông nghiệp, trồng thảo quả để tạo nguồn thu ổn định và đảm bảo lương thực tại chỗ. Qua 4 năm thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ người dân thoát nghèo, đến nay huyện Văn Bàn đã cơ bản từng bước xóa được đói, giảm được nghèo.
Bà Trần Thị Việt, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Bàn, cho biết:"Bình quân thu nhập đầu người phấn đâu năm 2020 đạt 45 triệu /người. Huyện cũng tích cực kêu gọi các dự án, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao đời sống cho dân."
Những đổi thay trong đời sống của người Dao ở bản Tùn Trên, huyện Văn Bàn đã cho thấy hiệu quả của các dự án hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất. Qua đó cũng là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc vùng cao trong phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương mình