(VOV5) -Để triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ như thành lập các Trung tâm phát triển làng nghề trên địa bàn.
Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (gọi tắt là OVOP) xuất phát từ làng Oita (Nhật Bản) cách đây hơn 30 năm. Phong trào này đạt được những thành công lớn và đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là OCOP), triển khai trên cả nước. Các làng nghề Việt Nam đang phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng mỗi làng một sản phẩm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở Việt Nam hiện nay có hơn 5400 làng nghề với khoảng 50 nhóm nghề. Các sản phẩm làng nghề Việt Nam đã xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD/năm.
Hội chợ làng nghề 2018 quy tụ đa dạng sản phẩm - Ảnh: HNV |
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Dù Chương trình OCOP mới triển khai trên phạm vi toàn quốc, nhưng thực tế nhiều địa phương đã thực hiện từ nhiều năm trước đây.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết: “Chúng ta phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ có tất cả các tỉnh, thành phố phê duyệt đề án OCOP cấp tỉnh. Mặc dù chúng ta triển khai ở tất cả 63 tỉnh, thành phố nhưng Ban chỉ đạo Trung ương lựa chọn một số tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm để từ đó sẽ nhân rộng lên. Đây cũng là kinh nghiệm mà chúng ta đã thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ dân có thể tham gia đăng ký sản phẩm để chương trình OCOP đi vào chiều sâu. Hiện nay, chúng ta có 4823 sản phẩm làng nghề truyền thống có dư địa để có thể phát triển.”
Việc xây dựng và thực hiện chương trình OVOP là việc làm cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển các làng nghề ở Việt Nam hiện nay phát triển theo hướng chuyên nghiệp vào một, hoặc một vài sản phẩm đặc sắc của địa phương. Qua đó, tạo sức cạnh tranh cao nhất trên thị trường và giới thiệu với thế giới. Điều cốt yếu nhất của chương trình này không phải là tạo ra các sản phẩm quà tặng để bán cho du khách mà cần tạo ra các sản phẩm đặc trưng để tiêu thụ trong nước và hướng đến tầm quốc tế, tạo ra thương hiệu cho sản phẩm.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho rằng: “Nên có những phiên chợ làng nghề. Phiên chợ làng nghề có thể chuyên sâu về gốm như gốm Bát Tràng, gốm Minh Long, gốm Bàu Trúc… nhưng bên cạnh đó đưa ẩm thực các vùng miền vào. Xây dựng các làng văn hóa làng nghề và nâng cao chất lượng văn hóa làng nghề. Làng nghề truyền thống nhất thiết phải là làng nghề văn hóa ở cấp độ cao. Vì đó là nơi sản sinh ra các di sản văn hóa, nơi đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân làm cho các sản phẩm làng nghề nổi trội lên có thể sánh vai với các nước trên thế giới.”
Nón chuông, sản phẩm truyền thống của Làng Chuông, Hà Nội |
Để triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ như thành lập các Trung tâm phát triển làng nghề trên địa bàn; phát triển các hoạt động tư vấn về kỹ năng nghề và tổ chức sản xuất tại các làng nghề; mở các lớp đào tạo truyền nghề tại làng; hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất. Đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đến nay, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước học tập và triển khai Chương trình OCOP theo các quy mô khác nhau. Trong một thời gian ngắn đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng, có nhiều địa phương có những sáng kiến, mô hình, cách làm hay. Những làng nghề truyền thống, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như làng lụa Vạn Phúc, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng quạt Chàng Sơn (đều ở Hà Nội), làng nghề chạm Bạc Đồng Xâm (Thái Bình), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).
Ông Nguyễn Hữu Dực, Tổ trưởng tổ OCOP tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, chúng tôi tổ chức các đoàn đi tham quan học tập ở tỉnh Quảng Ninh, thậm chí đi tham quan học tập ở nước ngoài. Chúng tôi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và tổ chức xây dựng quy chế quản lý sản phẩm OCOP. Sản phẩm đã đưa ra thị trường phải là sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn thật sự và an toàn, xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng. Có như vậy mới xây dựng được thương hiệu của OCOP của mỗi địa phương cũng như OCOP của Việt Nam.”
Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” không chỉ giúp tạo công ăn việc làm cho lao động khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể ở các làng quê. Cả nước đang dấy lên một phong trào mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông thôn theo mô hình mỗi làng nghề một sản phẩm.