Ứng dụng công nghệ thông minh xu hướng tất yếu trong phát triển ngành công nghiệp

(VOV5) - Microsoft Việt Nam vừa bắt tay hợp tác với công ty SaigonTel và Tech Data trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin ứng dụng thực tiễn kinh doanh dành cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng 4.0 đã tác động đến Việt Nam với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông.

Ứng dụng công nghệ thông minh xu hướng tất yếu trong phát triển ngành công nghiệp - ảnh 1 Các doanh nghiệp tìm hiểu về các giải pháp công nghệ phát triển Khu công nghiệp thông minh

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khẳng định quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Sự ra đời của công nghệ số hóa như kết nối internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo hay điện toán đám mây… của cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành nên một nền sản xuất thông minh. Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin – Truyền thông, cho biết: “Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính để sáng tạo và đổi mới sự cạnh tranh về khả năng tiếp cận nhanh tới khách hàng, có khả năng mở rộng quy mô phục vụ nhưng không cần đòi hỏi sự đầu tư lớn. Đó là một môi trường tốt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt không chỉ vì lợi nhuận mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được sáng tạo và phát triển. Việc giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với các công nghệ tiên tiến đó là một cách hiệu quả để thúc đẩy sự ổn định sáng tạo của quốc gia. Điều này không chỉ đúng trong nước ta mà đã được công nhận trên toàn thế giới”.

Ứng dụng công nghệ thông minh xu hướng tất yếu trong phát triển ngành công nghiệp - ảnh 2 Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết Microsoft đang tư vấn cho Chính phủ trong quá trình chuyển đổi và xây dựng thành phố thông minh cũng như chính phủ điện tử. 

Trong sản xuất thông minh, mọi thứ được kết nối thông qua các thiết bị cảm biến. Bởi vậy, các sản phẩm, công đoạn sản xuất, máy móc, công cụ… được tổ chức và liên lạc với nhau để nâng cao sản lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất. Trên thế giới, sản xuất thông minh đang được ứng dụng và mang lại lợi ích rõ rệt cho các doanh nghiệp. Nhận biết vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số hóa vào sản xuất, Microsoft Việt Nam vừa bắt tay hợp tác với công ty SaigonTel và Tech Data trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin ứng dụng thực tiễn kinh doanh dành cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho rằng: "Chúng tôi nhìn nhận ở thị trường Việt Nam khoảng 60% GDP do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp với khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Một điều phát hiện rất thú vị đó là Việt Nam có đến 200 khu công nghiệp khác nhau. Như vậy, khối các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Microsoft mong muốn không chỉ phát triển về mặt kinh doanh mà giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số".

Ứng dụng công nghệ thông minh xu hướng tất yếu trong phát triển ngành công nghiệp - ảnh 3Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, trao kỷ niệm chương cho bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng Giám đốc công ty SaigonTel.

Theo lời ông Phạm Văn Lực, Trưởng Văn phòng Đại diện SaigonTel tại Hà Nội, SaigonTel, chủ sở hữu trên 30 khu công nghiệp trải dài trên cả nước, đã trở thành đơn vị đại diện Microsoft tư vấn công nghệ và bán giải pháp trực tiếp cho những doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh: “Chính nhu cầu số hóa của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam là khởi nguồn của sự hợp tác chiến lược giữa Saigontel, Microsoft và các đối tác công nghệ nhằm kết nối các doanh nghiệp tiếp cận và trải nghiệm những đột phá về công nghệ thông minh dành riêng cho ngành sản xuất, cũng như trong quản lý kinh doanh”.

Ứng dụng công nghệ thông minh xu hướng tất yếu trong phát triển ngành công nghiệp - ảnh 4 Qua bài thuyết trình tại triển lãm, các doanh nghiệp nhận thấy được tầm quan trọng của các thiết bị thông minh trong quá trình sản xuất. 

Trong buổi triển lãm “Giải pháp Công nghệ Phát triển Khu công nghiệp thông minh” tại khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn, tỉnh Bắc Ninh vào đầu tháng 12 vừa qua, các hãng công nghệ như Microsoft, Phúc Bình, VPBO, NewOcean, Di Central, Viettel đã mang đến cho các doanh nghiệp nhiều giải pháp quản lý doanh nghiệp toàn cầu. Viettel cung cấp các máy camera, hóa đơn điện tử, cảnh báo cháy thông minh. New Ocean cung cấp ứng dụng theo dõi xe ô tô; DI Central cung ứng dữ liệu điện tử. Những giải pháp công nghệ mà các hãng cung cấp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng năng suất lao động, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, giảm tiêu hao nhiên liệu; tiết kiệm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường. Anh Quất Huy Quyền làm việc tại công ty Tầm nhìn Việt Nam cho rằng ứng dụng công nghệ số vô cùng hiệu quả và phù hợp với các doanh nghiệp: “Triển lãm này có nhiều thiết bị phần mềm và cái công cụ tối ưu phù hợp với doanh nghiệp. Bản thân tôi làm về kỹ thuật thì thấy rất thích thú và hữu ích, hiệu quả cho doanh nghiệp trong môi trường sản xuất”.

Ứng dụng công nghệ thông tin, mọi thứ được kết nối thông qua thiết bị cảm biến với mạng Internet toàn cầu sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc phát triển khu công nghiệp thông minh là cơ hội trải nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới một cách dễ dàng hơn từ đó đẩy nhanh quá trình số hóa doanh nghiệp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác