(VOV5) - Dọc tuyến phố Hàng Vải hiện có khoảng 10 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm từ tre, hầu hết là những gia đình có nghề truyền thống từ thời cha ông để lại.
Hà Nội 36 phố phường từ lâu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của lịch sử, văn hóa Thủ đô. Những con phố này đa phần được đặt tên theo ngành nghề, mặt hàng kinh doanh chủ yếu trên cả tuyến phố. Tuy nhiên, cũng có những phố “Hàng” ngoại lệ như phố Hàng Vải. Con phố nằm cách Hồ Gươm khoảng 600m, về hướng Tây-Bắc, được xem là một phố tre độc đáo giữa lòng khu phố cổ Hà Nội.
Giữa con phố buôn bán tấp nập, người thợ lành nghề vẫn tập trung vào công việc. Ảnh: kinhtedothi.vn |
Nghe âm thanh tại đây:
Dọc 2 bên con phố Hàng Vải, dài khoảng 240m, những chiếc sào tre, thang tre cao vút được xếp ngay ngắn, thẳng tắp, che khuất cả tường nhà đã tạo nên nét độc đáo riêng có cho phố Hàng Vải. Hình ảnh “rừng tre” giữa phố đã gây ấn tượng mạnh cho những ai lần đầu bước tới con phố này. Vì sự phổ biến của mặt hàng tre ở đây mà không ít người nhầm lẫn phố Hàng Vải với Hàng Tre, con phố nằm cách đó gần 2 km.
Hàng Vải là 1 trong những con phố còn lưu giữ những nét đẹp hoài cổ của thủ đô. Nửa cuối thế kỷ 19, Hàng Vải là một trong những con phố nằm cạnh chợ Đông Thành, của huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiến, Hà Nội. Nơi đây buôn bán sầm uất tất cả các mặt hàng tiêu dùng, nhưng chủ yếu là bán vải. Thời đó, người dân Kẻ Chợ gọi phố Hàng Vải là phố Hàng Vải thâm, bởi phố Hàng Đào là nơi buôn bán sầm uất những vải tơ lụa, còn phố Hàng Vải là nơi bán những loại vải nhuộm nâu cho người lao động.
Trong thời Pháp thuộc, người Pháp gọi phố Hàng Vải là “rue des Etoffes”, dịch từ tên Hàng Vải. Đến năm 1945, phố lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Vải. Người Pháp đến đây sinh sống cũng làm cho hàng hóa được buôn bán tại con phố này trở nên phong phú, đa dạng hơn.
Phố Hàng Vải được xem là một phố tre độc đáo giữa lòng khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: hanoimoi.vn |
Theo đổi thay của thời cuộc, phố Hàng Vải dần thay đổi, không còn sinh hoạt theo kiểu buôn bán phường hội như trước đây. Từ thập niên 90, nhiều hộ trên phố chuyển sang kinh doanh mặt hàng tre, bởi vậy, mặt hàng vải buôn bán trước đây dần biến mất và không còn dấu tích gì ngoài tên phố. Hàng chục năm nay, mặt hàng tre, nứa, trúc ngày càng được phát triển đa dạng và phong phú, từ tre trong kiến trúc, xây dựng đến tre trong nội thất, sinh hoạt hằng ngày đều được người thợ gia công, thiết kế ngay tại cửa hàng. Dọc tuyến phố hiện có khoảng 10 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm từ tre, hầu hết là những gia đình có nghề truyền thống từ thời cha ông để lại.
Anh Nguyễn Đắc Hải, chủ cửa hàng trên phố Hàng Vải, cho biết: “Nhà tôi chuyên làm các đồ truyền thống về tre, trúc, cũng như các nhà truyền thống như nhà lợp mái cọ; các trò chơi dân gian như: làm đu, cà kheo… Nhà tôi có mấy người cùng làm nghề này, bố tôi, các bác, các cô, chú. Cửa hàng nhà tôi là của các cụ để lại từ ngày xưa, đã trải qua rất nhiều thế hệ”.
Chị Nguyễn Huyền Linh, cũng kinh doanh trên phố Hàng Vải, bày tỏ: “Nhà tôi chuyên bán đồ tre trúc, cây thật, lá giả để trang trí nội thất, sào phơi, hoặc mọi người mua tre trúc để ốp tường. Thường khách du lịch nước ngoài đến phố Hàng Vải để xem các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ tre, trúc. Họ cũng rất thích mua thang tre để trang trí, ví dụ như thang để bày khăn. Hoặc điếu cày, họ không hiểu vì sao từ 1 cây tre mà có thể hút được. Tùy thuộc vào lượng khách mà nhà tôi sản xuất khoảng 30 – 50 sản phẩm/ngày”.
Vẻ đẹp cuộc sống hằng ngày trên phố Hàng Vải. Ảnh: Hoàng Chiến |
Anh Nguyễn Trọng Đức cũng là 1 trong số các hộ gia đình làm nghề truyền thống lâu năm trên phố Hàng Vải. Cửa hàng nhà anh chuyên chế tác các sản phẩm kiến trúc và nội thất từ nguyên liệu tre, trúc: “Tôi thường làm vách nhà, tủ, kệ giá bằng tre, bàn ghế tre. Công việc của tôi thường diễn ra vào lúc khoảng tầm 6 rưỡi – 7 giờ, dọn hàng và bày đồ để làm. Thường tôi sẽ hẹn ngày để đến nhà lắp cho khách, trước đó, tôi sẽ gia công ở nhà. Sản phẩm này càng ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu được ưa chuộng ở ngoại thành. Ở thành phố chủ yếu họ dùng để trang trí ở những tiểu cảnh, làm 1 góc dân gian… Những mẫu mọi người yêu cầu tôi sẽ đóng mới”.
Giữa con phố buôn bán tấp nập, người thợ lành nghề vẫn tập trung vào công việc, đôi tay thoăn thoắt đo đạc, đục đẽo tạo hình cho tre, trúc, để cho ra những sản phẩm thủ công độc đáo. Anh Nguyễn Quang Thảo, khách mua hàng, chăm chú nhìn theo thao tác của người thợ: “Tôi thích những món đồ nhẹ nhàng, kiểu hoài cổ, đậm chất nghệ thuật, nên tôi sẽ ghé qua phố Hàng Vải. Khi ngồi đây xem tôi cũng học mót được 1 vài ngón nghề của anh chủ cửa hàng. Ngoài ra, còn được nhìn ngắm con phố cổ này. Với tôi, đó là 1 điều tuyệt vời”.
Nhịp sống trên con phố tre trúc giữa lòng phố cổ Hà Nội bao năm qua vẫn vậy. Chỉ khác là giờ đây, thế hệ trẻ đã thay đổi cho thế hệ cha ông trước kia, tiếp tục duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống trên phố. Đó cũng là nét đẹp được trao truyền qua nhiều thế hệ tại các phố nghề xưa của đất kinh kỳ.