Sơn La tập trung phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(VOV5) - Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ và tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá. 

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đầu tư xây dựng hạ tầng miền núi, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 Từ sự hỗ trợ của chính sách dân tộc và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu, gia đình bà Sùng Thị Giá, ở bản Tà Phềnh, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu được vay vốn sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế. So với thu nhập bấp bênh, bữa đói bữa no từ nhiều năm trước, thì nay cuộc sống của gia đình đã ổn định và khá hơn nhiều, gia đình cũng yên tâm lao động sản xuất: "Nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình đã được vay vốn để trồng 200 cây cam, chăn nuôi lợn, gà thả vườn. Từ năm 2019 đến nay, gia đình thu hoạch, xuất bán từ 4 đến 5 tấn cam, hàng trăm con gà, hàng chục con lợn mỗi năm, kinh tế, đời sống gia đình ngày càng nâng lên."
Sơn La tập trung phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 1Hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: VOV

Xã Tân Lập, huyện Mộc Châu có 15 bản, tiểu khu, dân tộc thiểu số chiếm 90%. Nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ về xóa đói, giảm nghèo như: Chương trình 30a, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Ông Bàn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Mộc Châu cho biết: "Nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con có sự thay đổi và phát triển đáng kể, đỡ khó khăn hơn so với các năm trước, nhiều hộ đã có của ăn của để, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt gia đình. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục rà soát các hộ nghèo, cận nghèo để tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bà con nhân dân thoát nghèo."

Từ năm 2020 đến nay, với kinh phí từ nguồn vốn chương trình 135 trên 12,7 tỷ đồng, huyện Yên Châu đã đầu tư xây dựng mới, duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông đường bộ; đầu tư hệ thống điện - trường - trạm  để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Ở nhiều nơi, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên đã đồng hành cùng bà con trong lao động, sản xuất, từ đó giúp người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lừ Văn Chung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Từ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã từng bước tạo tiền đề cơ bản để các địa phương có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới: "Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ và tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá để vươn lên thoát nghèo, số hộ nghèo giảm theo từng năm. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng khang trang làm chuyển biến rõ rệt bộ mặt nông thôn; sự nghiệp giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được phát triển."

Cùng với huyện Yên Châu, huyện Mộc Châu, các địa phương khác ở Sơn La cũng đã và đang triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngoài những chính sách hỗ trợ về kinh tế, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, y tế, văn hóa… ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% các xã vùng dân tộc miền núi của tỉnh có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS; tất cả các xã đặc biệt khó khăn đều có các lớp cắm bản thuận lợi cho học sinh đi học... Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo xuyên suốt.

Ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: "Các chính sách đó được cụ thể hóa đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho bộ mặt vùng dân tộc phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng nhất là đường, điện, giao thông, thủy lợi, trường lớp học và các công trình phúc lợi khác được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm dần từ 3 đến 5%/năm, giúp đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến về nhận thức, đổi mới về phong tục tập quán sản xuất, tăng thu ổn định và cải thiện đời sống, đặc biệt bước đầu đã hình thành kinh tế thị trường."

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác