Xã Ea Tu: Đoàn kết để xây dựng nông thôn mới và bảo tồn văn hóa dân tộc

(VOV5) - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được phát động hơn mười năm qua và những năm gần đây là phong trào xây dựng nông thôn mới đều được các thôn buôn ở Đắc Lắc triển khai hàng năm. Có nhiều thôn buôn đã thực sự đạt kết quả nổi bật nhờ huy động được sức dân, phát huy được tính cộng đồng trong từng công trình, từng việc làm cụ thể. Xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, là một điển hình, dấu ấn của sự đồng thuận của người dân đều thể hiện rõ ở mỗi công trình nơi đây. 

Xã Ea Tu: Đoàn kết để xây dựng nông thôn mới và bảo tồn văn hóa dân tộc - ảnh 1
Đường vào buôn Ea Nao (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Báo Đak Lak)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Đoạn đường bê tông ở tổ liên gia 4 của thôn 1, xã Ea Tu với hàng cau cao vút trồng dọc hai bên đường đã trở thành con đường kiểu mẫu của thôn 1. Mặc dù chỉ dài hơn 120 mét, rộng 2m rưỡi với tổng kinh phí hơn 26 triệu đồng, nhưng sự sạch đẹp và tiện lợi của con đường này đã mở đầu cho phong trào người dân đóng góp làm đường giao thông ở thôn 1, từ năm 2006. Đến nay, tất cả các con đường trong thôn đều đã được trải nhựa và thảm bê tông với tổng chiều dài gần 1,5 km, kinh phí hơn 360 triệu đồng, trong đó, dân đóng góp 316 triệu đồng. Sau khi làm đường, bà con còn đóng góp xây dựng hội trường thôn 1 với diện tích 150 mét vuông và phần sân hơn 1000 mét vuông phục vụ vui chơi thể thao. Ông Hồng Văn Thảo, người dân thôn 1, bày tỏ:
 “Tôi ở đây 30 năm rồi, bây giờ địa phương có nhiều thay đổi, ở thôn 1 bây giờ có hội trường khang trang, đường sá thì nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng nông thôn tốt hơn. Theo yêu cầu, vận động của thôn, của liên gia, gia đình tôi vẫn ủng hộ. Đảng, nhà nước quan tâm thì người dân chúng tôi ở đây quá mừng, giờ có sân chơi cho thôn xóm, thể dục thể thao thì quá vui rồi”.

Xã Ea Tu: Đoàn kết để xây dựng nông thôn mới và bảo tồn văn hóa dân tộc - ảnh 2
Các cô gái người dân tộc Êđê, xã Ea Tu duyên dáng trong trang phục và điệu múa truyền thống (Ảnh: Báo Dak Lak)

Với bà con ở buôn Jù, con đường thảm bê tông đến tận bến nước ngoài sông được khánh thành mấy tháng trước vẫn là câu chuyện vui được bà con kể với nhau. Để có con đường này, ngoài chuyện vận động hơn 580 hộ trong buôn đóng góp tiền, xã còn vận động người dân tham gia vận chuyển vật liệu và hiến đất làm đường. Vui nhất có lẽ là các bà, các mẹ, các chị, các em gái vì giờ đây công việc lấy nước đỡ vất vả hơn khi không phải đi đường mòn trơn trượt như trước. Chị H’Ngơng Êban, buôn Jù, cho biết:
 “Mỗi hộ đóng góp 200 nghìn đồng để làm đoạn đường xuống bến nước này thì bà con đều sẵn sàng đóng góp để có kinh phí làm đường. Từ khi làm con đường này thì chị em đi lấy nước rất thuận tiện và bà con xuống lấy nước ngày càng đông. Buôn tổ chức làm được như thế này thì bà con rất vui”.

Chính nhờ sự đoàn kết, đồng lòng từ Ban tự quản buôn đến các đoàn thể và từng hộ dân, đến nay, buôn Jù đã đạt 13 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 98% hộ dân đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Buôn Jù cũng đã được công nhận buôn văn hóa nhiều năm liền. Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số tại chỗ được thực hiện khá tốt. Người già vẫn miệt mài truyền dạy cho người trẻ từ cách đánh chiêng đến nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần. Nghệ nhân Y Bloá Ađrơng, buôn Jù, cho biết: 
“Mình vận động các cháu rất khó khăn nên đã thành lập tổ trưởng, sau đó mình tập trung, cho tổ trưởng đi kêu một lần hai lần, rồi dần dần mấy đứa trẻ nó thích. Trước tiên thì dạy chiêng tre, khi chúng thành thạo rồi mới cho đánh chiêng đồng. Sợ quên bài đánh, thì khoảng 2 tháng một lần, không cần dịp lễ, ngày nghỉ thì tập hợp các nghệ nhân tại hội trường để đánh chiêng. Sau thời gian làm việc cực nhọc thì cùng đánh chiêng cho cả buôn nghe”.

Xã Ea Tu: Đoàn kết để xây dựng nông thôn mới và bảo tồn văn hóa dân tộc - ảnh 3
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân xã Ea Tu chăm sóc cà phê (Ảnh: Báo Dak Lak)

Kinh nghiệm vận động sức dân để lo cho dân đang được thực hiện có hiệu quả ở hầu hết các thôn, buôn của xã Ea Tu. Sự đoàn kết, đồng lòng của người dân là chìa khóa để triển khai thành công các chương trình, kế hoạch của địa phương. Ông Nguyễn Phúc Lợi, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 1, chia sẻ:
 “Nhìn chung nhân dân ý thức được tiền của dân thì làm cho dân rồi phục vụ lại cho dân, do đó họ hưởng ứng và chấp hành rất tốt mà đi đầu là Chi hội Cựu chiến binh là nòng cốt, tiếp theo đó là chi hội người cao tuổi vận động gia đình, con cháu nhà mình thực hiện phong trào của địa phương. Phải nói rằng “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở thôn 1 thì nhân dân hưởng ứng rất cao, từ đó các mặt phong trào đều hoàn thành tốt”.

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống để phục vụ lại chính đời sống tinh thần của bà con đang được thực hiện khá tốt tại xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. Năm 2013 này, 89% hộ dân của xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa, xã Ea Tu cũng được công nhận xã văn hóa cấp thành phố 3 năm liền, hiện đang đánh giá để công nhận xã văn hóa cấp tỉnh. Năm nay, xã Ea Tu cũng phấn đấu đạt 11 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác