Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem như hồn cốt, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng nông thôn mới. Ảnh: VOV |
Là điển hình của một vùng quê gắn phát huy giá trị văn hoá với phát triển du lịch, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, chủ trương triển khai xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng lấy văn hoá truyền thống làm nền tảng, tạo nguồn thu từ du lịch. Trong đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem như hồn cốt, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng nông thôn mới.
Thời gian trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại hoành hành, cứ vào mỗi buổi trưa, các em nhỏ ở trường mầm non Xuân Thuỷ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lại được chìm vào giấc ngủ trong tiếng hát ru Kiều của cô giáo Phan Thị Hạnh. Cô Hạnh năm nay mới ngoài 20 tuổi, nhưng đã có vài năm chăm giấc ngủ cho trẻ em trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du bằng những câu thơ Kiều. Không chỉ dưới mái trường này, ở nhiều nơi trong huyện Nghi Xuân, truyện Kiều giờ đây đã len lõi vào từng nếp nhà, từng ngôi làng, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân từ tấm bé. Cô Hạnh cho biết: “Ở nhà thì ông bà hát ru Kiều, ở trường rất nhiều trường mầm non đưa lẩy Kiều, ru Kiều vào trong giấc ngủ trưa cho các cháu, chính vì vậy các cháu được thẩm thấu về truyện Kiều từ rất sớm. Có thể các cháu chưa hiểu về truyện Kiều nhưng bắt đầu được cảm nhận từ lời ru của các cô, của bà, của mẹ.”
Nếu như văn hoá được chọn là trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân thì Truyện Kiều được người dân nơi đây chọn là nền tảng giá trị, cốt lõi để bồi dưỡng tâm hồn. Đây là điểm khách biệt của Nghi Xuân so với các địa phương khác trong xây dựng nông thôn mới. Tất cả các tiêu chí đạt kiểu mẫu, nhưng phải thể hiện tính điển hình về văn hoá và tạo ra sản phẩm về du lịch.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, đó là tạo ra giá trị mềm, giá trị văn hoá trong lòng dân, gây dựng niềm tin, động lực, sự tự hào về văn hoá truyền thống của quê hương. Từ niềm tin đó sẽ “chuyển thể” thành khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp, bản sắc và được cụ thể hoá bằng những việc làm trong xây dựng nông thôn mới: “Trong quá tình triển khai thực hiện chúng tôi có bước đi hơi riêng một chút. Nghi Xuân xây dựng nông thôn mới nhưng dựa trên nền tảng giá trị truyền thống. Chúng tôi tạo ra mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế nhưng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, đặc biệt là giá trị văn hoá tiêu biểu, giá trị văn hoá làng. Chúng tôi hiểu rằng, những giá trị văn hoá phi vật thể là hồn cốt dân tộc, muốn bảo tồn phát huy được phải qua con đường nhân dân bảo tồn phát huy, được họ yêu thích, trân trọng, giữ gìn.”
Trong số các tiêu chí khi xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Xuân bổ sung tiêu chí mỗi khu dân cư đạt chuẩn phải có 1 câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động hiệu quả, ví du như câu lạc bộ trò Kiều, ca trù, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, sắc bùa, chầu văn. Đến thời điểm này, 152 khu dân cư và các trường học trên địa bàn huyện đều có câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Các khu dân cư đạt chuẩn sẽ trở thành những điểm du lịch trải nghiệm nông thôn mới, đây là nơi sản sinh ra sản phẩm du lịch, tạo nguồn thu trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Mậu, một người có nhiều năm gắn bó với câu lạc bộ văn hoá dân gian cho biết: “Khách tham quan về du lịch rất đam mê. Khi kỷ niệm 255 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, 6h sáng câu lạc bộ đã đến hát, diễn, thể hiện. Tất cả khách lam quan đều thích thú truyện Kiều. Và xây dựng nông thôn mới thì xây dựng văn minh đầu tiên, nơi đó không chỉ khách của cả nước về tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới này.”
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: mục tiêu huyện Nghi Xuân đặt ra không chỉ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà hướng tới những giá trị mang tính bền vững, xa hơn để Nghi Xuân có thể trở thành thành phố di sản trong tương lai: “Chúng tôi xây dựng Nghi Xuân trở thành thành phố di sản trong tương lai. Tôi nghĩ đây là vấn đề cốt lõi và sau này những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, đặc biệt những giá trị văn hoá mà cụ Nguyễn Du để lại trở thành hồn cốt, nền tảng để Nghi Xuân trở thành thành phố di sản trong tương lai. Vì vậy tôi nghĩ Nghi Xuân sẽ tiếp tục khai thác, phát huy những giá trị di sản mà Nguyễn Du để lại, đây không chỉ là những giá trị văn hoá bình thường mà tạo ra những sản phẩm du lịch cho ta những nguồn thu rất lớn, khi chúng ta đầu tư và khai thác tốt việc này, và đặc biệt khi chúng ta đặt nó ở tầm quốc tế.”
Khi xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã thấu hiểu được ngọn nguồn đam mê của người dân Nghi Xuân, thấu hiểu những sức sống của giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống văn hóa đương đại nên đã có những quyết sách táo bạo nhằm làm cho các miền quê Nghi Xuân vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, xây dựng hình ảnh người Nghi Xuân vừa cần cù, sáng tạo, vừa giàu đẹp về tâm hồn, tính cách, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của quê hương