(VOV5) - Các bản nhạc được giới thiệu: bài xẩm Đáng mặt anh hào, bài dân ca Duyên phận phải chiều, Du thuyền trên sông Hương, Anh xẩm, Trăng rằm.
Nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch là một trong những gương mặt gạo cội của làng âm nhạc dân gian Việt Nam. Ông có khả năng chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Không chỉ chơi nhạc, giảng dạy âm nhạc, ông còn là nghệ nhân chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Trưởng thành từ đội văn nghệ không chuyên của xã, ông tự học nhạc cụ từ nhỏ, dự thi và trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Tốt nghiệp Đại học, ông về công tác tại Đoàn ca múa Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam). Sống trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp nên tâm hồn người nghệ sĩ được nuôi dưỡng, trau dồi để sau này thành danh.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch nhớ lại: "Thái Bình là đất chèo nên trong tôi có chút chất chèo khi thi tuyển tôi trúng ngay. Tôi may mắn được thày giáo là Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Khải trực tiếp dạy dỗ. Do công của người thày hết lòng dạy dỗ mình và một chút năng khiếu của bản thân nên tốt nghiệp tôi được nhận bằng ưu. Tốt nghiệp xong năm 1971 tôi làm việc ở Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam cho đến khi về hưu nghỉ năm 2012. Một phần do nơi đào tạo tốt và bản thân chịu khó học hỏi, tâm huyết, lăn lộn với ngành âm nhạc mà mình đã theo đuổi nên mới thành công được”.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch sử dụng điêu luyện 6 loại nhạc cụ dân tộc từ đàn nguyệt, nhị, tam, bầu, đàn đáy đến bộ gõ. Ông còn có thể đàn hát cả ca trù, chầu văn, hát xẩm hay hát trống quân. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch có niềm say mê và khả năng chế tác những cây đàn dân tộc. Những cây chiếc đàn nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch làm đều có dây đàn làm bằng sợi tơ giống nguyên bản những cây đàn dân tộc nên thanh âm trong, vang, trầm đục và ấm áp hơn các chất liệu khác. Không chỉ làm ra những cây đàn có âm thanh tinh khiết mà ở đó ông còn muốn chúng phải mang đậm dáng vẻ, hồn cốt Việt Nam. Ví như ý tưởng điểm họa tiết con chuồn chuồn tre vừa ngộ nghĩnh, bắt mắt lại rất Việt Nam gắn trên cây đàn.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch cho biết: “Tôi phục chế lại cây đàn bầu chỉ vì một bức ảnh của Viện nghiên cứu âm nhạc cho tôi xem. Tôi thấy cây đàn bầu lạ kỳ, cần cao thế thì đánh kiểu gì, nên bắt tay phục chế cây đàn này. Khi làm xong tôi thấy âm lượng tốt, thành công. Trung tâm bảo tồn phát triển âm nhạc Việt Nam công nhận đây mới là đàn phục chế lại nguyên bản cây đàn bầu cổ”.
Hiện nay dù tuổi đã cao nhưng Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch vẫn tiếp tục giúp đỡ hướng dẫn các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tập luyện hát xẩm và chơi đàn. Ông vẫn cùng các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam biểu diễn hát xẩm, ca trù, chầu văn vào những dịp cuối tuần tại khu phố cổ Hà Nội nhằm quảng bá nghệ thuật dân tộc tới các du khách quốc tế.
Ông còn mở thêm lớp dạy hát xẩm cho những người có niềm đam mê với loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian này. Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, cho biết: “Anh Xuân Hoạch giỏi lắm không những đàn hay hát giỏi mà còn chế tác ra nhạc cụ âm nhạc. Dây tơ khó đánh đàn lắm không phải ai cũng chơi được, không đơn giản đâu chỉ Xuân Hoạch mới chơi được dây tơ. Xe tơ cũng phải biết cách xe, phải mầy mò công phu lắm, chứ không là xe tơ không tạo ra âm thanh được. Tôi thấy Xuân Hoạch xứng đáng là một nghệ sĩ nhân dân.”
Hiện tại, tại nơi ở của mình trong con ngõ nhỏ trên đường Láng, Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch dành hẳn một khoảnh đất dựng mô hình một ngôi nhà truyền thống làng quê Bắc Bộ, trong đó ông lưu giữ rất nhiều loại hình nhạc cụ dân tộc và đây cũng là nơi ông dạy học, biểu diễn âm nhạc. Với tâm huyết và những gì đã làm cho âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam được tổ chức World Masters công nhận là nghệ nhân thế giới.