Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Hãy để tâm hồn chảy với cuộc sống!

(VOV5) - Tiến sĩ, Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc hiện là Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội, đồng thời là Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Là con người của công việc, luôn bận rộn với cương vị của người làm công tác quản lý nhưng với ông, mỗi chuyến công tác, mỗi khoảnh khắc chợt đến luôn tạo cho ông những xúc cảm trong sáng tạo. Và dường như thơ ông có một sức hút kỳ lạ đối với các nhạc sĩ để rồi đã có rất nhiều tác phẩm ra đời từ sự cộng cảm ấy.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Hãy để tâm hồn chảy với cuộc sống! - ảnh 1
Ảnh tác giả cung cấp


Nghe âm thanh tại đây:


Quen biết và có nhiều dịp làm việc với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tôi thực sự trân trọng và cảm phục ông bởi nhân cách và cả những lao động nghệ thuật không mệt mỏi. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cho biết: “Tôi quan niệm rằng: trong cuộc sống cần có sự phân thân. Lúc nào làm quản lý thì mình đừng có "Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây". Còn ra với cuộc sống, kể cả trên đường về nhà thì mình phải để cho tâm hồn của mình chảy với cuộc sống. Có phân thân được như vậy thì mình mới có thể có được góc riêng tư của mình để sáng tác. Các đề tài thơ của tôi chủ yếu về quê hương, đất nước, về tình yêu cuộc sống, tình yêu con người”.

 

Trong giới văn nghệ sĩ, nhà thơ Nguyễn Cảnh Nhạc nổi tiếng là người có nhiều tác phẩm thơ nhận được sự cộng cảm của các nhạc sĩ. Ông đã có vài chục tác phẩm phổ nhạc, thậm chí có vài trường hợp mà nhạc sĩ và nhà thơ kết hợp viết đến 20 tác phẩm cùng nhau và đều là những tác phẩm có sức lan tỏa trong công chúng và cũng đã nhận được nhiều giải thưởng nghệ thuật. Chúng ta có thể kể đến như:Tiếng gọi rồng tiên, Non nước đàn trời, Đôi bờ ví giặm, Non nước Thiên Cầm, Về Hương Sơn, Hồn quê hội tụ, Da diết một miền quê, Đêm Phiêng Lơi, Lời ru một mình, Mơ về Hà Nội, Bão giông tình biển, Áo trắng vùng cao...Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cho rằng: “Mối lương duyên giữa thơ và nhạc là mối lương duyên mà cuộc sống đã cho tôi gặp gỡ các nhạc sĩ. Ban đầu là những bài thơ lọt vào mắt xanh của các nhạc sĩ, được các nhạc sĩ giao thoa, yêu quý chắp cánh âm nhạc cho thơ. Sau đó, các nhạc sĩ giao cảm với tôi và cùng với tôi sáng tác những ca khúc về nhiều đề tài. Gợi mở cho tôi cảm hứng sáng tác. Tôi rất cảm ơn các nhạc sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ trong quân đội. Chính họ là những người đánh thức tiềm năng, gợi mở đề tài, kích hoạt sáng tạo để tôi có thể tham gia viết ca từ cho các ca khúc. Sau này chính những bài hát phối hợp cùng các nhạc sĩ sáng tác mà tôi được mời viết ca từ là những bài hát thành công nhất. Đấy cũng là những bài thơ mà tôi hết sức tâm đắc. Có thể nói tình cảm giữa tôi với các nhạc sĩ nhiều khi gắn kết như một. Để hoàn thành một tác phẩm âm nhạc, có khi nhạc viết trước rồi tôi viết ca từ, nhưng cũng có khi tôi viết lời trước rồi âm nhạc có sau. Nhưng cũng có khi có những tác phẩm là sự trăn trở trong câu chữ giữa cả thơ và nhạc bởi có những khi âm nhạc vút lên thì thơ lại phải chạy theo âm nhạc cho đúng với cung bậc của âm nhạc. Và cũng có khi bài thơ tròn chịa quá mà các nhạc sĩ chỉ thổi hồn nhạc cho thơ mà thôi. Đấy là điều đáng quý giữa mối quan hệ sáng tác và cái sự tin cậy, gửi gắm, sự đồng điệu của các nhạc sĩ với nhà thơ. Nếu như có sự gắn kết chắt chẽ giữa nhà thơ và âm nhạc thì tác phẩm âm nhạc sẽ đạt hiệu quả cao và sự giao thoa giữa 2 tâm hồn nhà thơ và nhạc sĩ sẽ mang lại hiệu ứng rất tốt cho cả thơ và nhạc”

                                                                       

Với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Tình yêu quê hương, tổ quốc luôn thường trực trong ông và là chất xúc tác kích thích sức sáng tạo cho ông những phát hiện mới để có thể cho ra đời những bài thơ về đất nước, quê hương, về thân phận con người và cả những mảng đề tài xã hội. Trò chuyện cùng ông luôn cho tôi một cảm giác ở ông tỏa ra năng lượng và sức sáng tạo tràn trề, nhưng lại thật khiêm cung, cẩn trọng trong từng câu chuyện, từng đề tài trao đổi. Và dường như trong ông luôn thường trực một mạch nguồn ngập tràn nhựa sống để khi chạm vào là tuôn chảy. Ông cho rằng: “Bất kỳ một chi tiết nào trong cuộc sống cũng có thể đưa vào trong thơ được, nhưng không phải bài thơ hay nào cũng có thể phổ nhạc. Khi đồng hành cùng các nhạc sĩ tôi thấy: để các nhạc sĩ có thể viết nhạc, có thể thả hồn trên câu chữ của thơ, biến bài thơ thành ca từ thì câu thơ phải có nhạc điệu. Kể cả tiết tấu đề tài của bài thơ cũng phải khác nhau nữa. Dung lượng của bài thơ không thể quá dài và kể cả giai điệu, ngôn từ của bài thơ cũng phải hết sức bình dị chứ không phải những ngôn từ đánh đố. Nhiều khi đọc thơ chúng ta phải nghiền ngẫm một lúc sau mới luận ra nhà thơ nói cái gì. Còn âm nhạc phát ra là mọi người phải hiểu được câu chữ đấy là cái gì. Như vậy, câu chữ phải giản dị, gần gũi, dễ hiểu, nhưng không được cũ mòn đấy là thách thức rất lớn của nhà thơ khi đồng hành cùng các nhạc sĩ viết phần lời cho các tác phẩm âm nhạc.”

 

Là một người đồng niên và cũng như có duyên gặp gỡ giữa hai tâm hồn thơ, nhạc. Nhạc sĩ Đức Trịnh cũng đã có đến gần 20 ca khúc được phổ từ thơ hoặc là đặt nhà thơ Lê Cảnh Nhạc viết lời chia sẻ: “ Tôi với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc rất có duyên với nhau trong nhiều tác phẩm. Có khi thì thơ có trước và nhạc có sau cũng có khi ngược lại. Cũng có khi chúng tôi cùng sáng tạo một lúc cả thơ và nhạc, thậm chí còn trao đổi rất rõ ý tưởng thơ và nhạc của nhau. Từng đoạn, từng câu, từng cách thể hiện trong ngôn ngữ. Nhiều tác phẩm của chúng tôi được biết đến, trong đó có mảng đề tài về biển đảo và người chiến sĩ Hải quân”.

 

Chào xuân Đinh Dậu 2017, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và nhạc sĩ Đức Trịnh cũng vừa cho ra mắt công chúng tác phẩm Mơ về Hà Nội với mong muốn được sẻ chia nỗi nhớ quê của những người xa xứ. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc kể: Giữa tôi là nhạc sĩ Đức Trịnh có một dấu ấn sâu đậm. Nhạc sĩ Đức Trịnh có đề nghị: Anh em mình viết một bài hát cho những người con xa quê và đặc biệt là viết về Hà Nội. Tôi đã suy nghĩ và viết tác phẩm  Mơ về Hà Nội để nói về tâm trạng của người xa xứ. Tôi nghĩ mỗi chúng ta ai cũng có một quê hương để mà thương, mà nhớ và dù có đi đâu, làm gì thì trong sâu thắm vẫn luôn đau đáu về nơi chôn rau cắt rốn của mình bằng tất cả những tình cảm thiêng liêng nhất. Hướng về quê hương, hướng về cội nguồn, hướng về nơi chôn nhau cắt rốn đấy là chúng ta hướng về những cái gì thánh thiện nhất, đẹp nhất. Điều đó, giúp chúng ta có thêm nghị lực, tình yêu đối với cuộc sống”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác