(VOV5) - Một trong những đề xuất đáng chú ý nhất trong thoả thuận mà Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra là việc thành lập một Quỹ phi carbon hóa với số vốn 100 tỷ euro.
Hôm 26/02, Uỷ ban châu Âu công bố Chiến lược công nghiệp sạch, theo đó khối này tập trung vào việc hỗ trợ nỗ lực phi carbon hoá của nền kinh tế, cắt giảm chi phí năng lượng và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng các biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để tạo sức bật cạnh tranh cho khối này.
Một trong những đề xuất đáng chú ý nhất trong thoả thuận mà Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra là việc thành lập một Quỹ phi carbon hóa với số vốn 100 tỷ euro. Quỹ này sẽ tài trợ cho các ngành công nghiệp sạch của châu Âu, như: sản xuất xe điện, phát triển năng lượng tái tạo...
hủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại "Hội nghị thượng đỉnh Công nghiệp Châu Âu 2025, Thỏa thuận Công nghiệp Sạch" tại Antwerp (Bỉ) ngày 26/2. Ảnh: Reuters |
Theo Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề khí hậu và tăng trưởng xanh, ông Wopke Hoekstra, một nửa số tiền của Quỹ này đến từ việc điều chuyển nguồn vốn từ các Quỹ khác trong khối, một nửa đến từ đóng góp của các quốc gia thành viên và từ nguồn thu từ thị trường carbon. EC cho rằng nếu các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào Quỹ này, số vốn có thể huy động được trong 10 năm tới có thể lên tới 400 tỷ euro. Đây được xem là công cụ tài chính quan trọng giúp các doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU) gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh đang phải đối mặt với các thách thức to lớn, gồm: sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Mỹ và Trung Quốc; nhu cầu nội địa yếu; chi phí năng lượng cao gấp 4-5 lần so với Mỹ và Trung Quốc. Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, cho biết: “Thêm vào sáng kiến này, chúng tôi sẽ công bố một khung trợ cấp quốc gia mới. Khung trợ cấp quốc gia này sẽ giúp việc phi carbon hoá và phát triển các dự án công nghiệp sạch được phê chuẩn nhanh hơn, duy trì lâu hơn và dễ dự đoán hơn, qua đó có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.
Dù được xem là một bước tiến lớn trong nỗ lực gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp EU nhưng giới chuyên gia cho rằng biện pháp mới của EU vẫn chưa có đủ sức nặng về tài chính. Trong báo cáo về tương lai cạnh tranh của EU, do cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi công bố tháng 9 năm ngoái, EU dự tính phải chi đến 480 tỷ euro/năm để đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, hạ tầng giao thông nếu muốn duy trì năng lực cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, quy mô 100 tỷ euro dự tính huy động trong 10 năm của Quỹ mới chỉ có thể đáp ứng được một phần nhỏ yêu cầu và khó giải quyết được các vấn đề cấp bách nhất hiện nay, đặc biệt là giá năng lượng.
Jan Mostrom, Giám đốc điều hành (CEO) của LKAB, một công ty khai thác mỏ của Thuỵ Điển, nhận định: “Điều mà Thoả thuận Công nghiệp sạch quan trọng với một công ty khai thác mỏ như chúng tôi, nằm ở 2 vấn đề. Đầu tiên, đó là việc phi carbon hoá, tức theo đuổi việc chống biến đổi khí hậu, cần phải gắn với việc tiếp cận với nguồn điện không sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch. Đây là điều rất quan trọng, nhưng giá cả cần phải hợp lý. Vấn đề thứ hai là quy trình xin giấy phép trong ngành mỏ hiện nay quá phức tạp”.
Đơn giản hoá quy trình cấp phép các dự án mới, đặc biệt là các ngành công nghiệp sạch, là một phần quan trọng mà EC thúc đẩy cải tổ trong Thoả thuận công nghiệp sạch. Trong ngày 26/02, EC cũng đã công bố gói giải pháp (được gọi là "Omnibus") đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt trong việc giảm bớt các thủ tục hành chính quan liêu và giảm bớt gánh nặng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cụ thể, EC thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng của chỉ thị về báo cáo ngoài tài chính (CSRD).
Theo quy định mới, chỉ còn 1.000 công ty lớn nhất châu Âu (trên 1.000 nhân viên và doanh thu 50 triệu euro) phải thực hiện báo cáo này, giảm 85% so với quy định trước đây. Các công ty chưa thực hiện báo cáo sẽ có thêm 2 năm để chuẩn bị, với các tiêu chuẩn được giảm nhẹ. Chỉ thị về nghĩa vụ thẩm định (CS3D), yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo chuỗi cung ứng không gây hại đến môi trường và vi phạm nhân quyền, cũng được "nới lỏng". Chỉ còn 6.000 công ty lớn của châu Âu và 900 công ty ngoài châu Âu có "lợi ích đáng kể" trong EU phải tuân thủ. Tần suất kiểm tra giảm từ một năm xuống 5 năm. Các quy định về khiếu nại của bên thứ ba và mức phạt cũng được điều chỉnh.
EC khẳng định những thay đổi này nhằm mục đích "cân bằng giữa cạnh tranh và trách nhiệm". Việc giảm gánh nặng hành chính sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về môi trường và xã hội. Đánh giá cao các động thái này nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại về độ vênh trong thực thi chính sách giữa các nước thành viên EU.
Ông Guido Janssen, CEO của Nyrstar, tập đoàn sản xuất khoáng sản và kim loại quốc tế có trụ sở ở Hà Lan, bày tỏ: “Lo ngại chính của chúng tôi là các quy định hiện nay (của EC) không thực sự nghiêm ngặt với các nước thành viên và hiện đang có khá nhiều khác biệt giữa các nước. Một số nước áp dụng một số quy định này nhưng một số nước lại không áp dụng. Điều này đặt châu Âu vào tình thế rủi ro”.
Một ví dụ điển hình mà nhiều doanh nghiệp châu Âu vẫn chưa thực sự yên tâm trong Thỏa thuận mới mà EC vừa công bố là các quy định giúp hạ chi phí năng lượng, trong đó có việc ký kết các hợp đồng điện dài hạn. EC khuyến khích các công ty ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp điện với sự bảo đảm tài chính của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB). Tuy nhiên, đây vẫn là đề xuất gây tranh cãi do các nước EU tự chủ về chính sách năng lượng, đồng thời EIB lâu nay vẫn từ chối đứng ra thực thi nghĩa vụ bảo đảm do lo ngại khó kiểm soát sự biến động của thị trường năng lượng cũng như triển vọng phát triển dài hạn của các công ty.