Lễ hội văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam

(VOV5) - Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các gia đình làng An Vĩnh, các dòng tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức hàng năm và trở thành lễ hội dân gian mang ý nghĩa nhân văn.

Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam 2023

Tối 29/4, tại Quảng trường Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng - Dragon Beach, Đồ Sơn (Hải Phòng), khai mạc Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam và khai mạc Lễ hội Biển Đồ Sơn - Hải Phòng 2023.

Lễ hội văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam - ảnh 1Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam và Lễ hội Biển Đồ Sơn năm 2023. Ảnh: VOV

Lễ hội Văn hóa dân gian Biển đảo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ở Hải Phòng là mốc khởi đầu ý nghĩa cho một sự kiện thường niên, có giá trị văn hóa sâu sắc nhằm giới thiệu, tôn vinh và phát huy giá trị của Di sản văn hóa dân gian miền biển đến nhân dân và du khách trong, ngoài nước, góp phần kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với bà con ngư dân, các lực lượng chuyên trách đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Từ sự kiện này, cùng với các sự kiện về biển đảo được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước sẽ trở thành nguồn lực, động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.

Việt Nam tham dự Triển lãm quốc phòng và hàng hải quốc tế (IMDEX) 2023 tại Singapore

Sáng 3/5, Triển lãm quốc phòng và hàng hải quốc tế (IMDEX) 2023 đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Changi, Singapore. Triển lãm IMDEX 2023 có sự tham dự của 47 đại biểu là các tư lệnh và chỉ huy các lượng lượng hải quân, cảnh sát biển và cơ quan thực thi pháp luật trên biển từ hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ở khu vực và trên thế giới. Triển lãm IMDEX 2023 diễn ra từ ngày 3 đến 5/5, thu hút hơn 250 công ty từ 25 quốc gia trên thế giới tới giới thiệu và trưng bày các sản phẩm và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực quốc phòng và hàng hải bao gồm hệ thống tự hành, không người lái, sử dụng trí tuệ nhân tạo, thiết kế tàu, giải pháp năng lượng và hệ thống kỹ thuật số…

Lễ hội văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam - ảnh 2Quang cảnh khai mạc Triển lãm quốc phòng và hàng hải quốc tế (IMDEX) 2023. Ảnh: Đức Thu/ baohaiquanvietnam.vn

Bên lề IMDEX 2023, ngày 4/5, diễn ra Hội nghị An ninh Hàng hải quốc tế (IMSC) lần thứ 8 với chủ đề “Biển An toàn và An ninh-Nổi lên mạnh mẽ hơn khi là một cộng đồng hàng hải” do Hải quân Singapore và Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam phối hợp tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Changi, Singapore. Đoàn Việt Nam do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, dẫn đầu, tham dự Hội nghị. Hội nghị gồm 3 phiên thảo luận lần lượt về các chủ đề: Tác động của các diễn biến địa chính trị đối với an ninh hàng hải; Các cách thức để các cơ quan hàng hải có thể tăng cường hoà bình và ổn định; Hợp tác trong môi trường hàng hải tương lai.

Lễ hội văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam - ảnh 3Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tàu 015-Trần Hưng Đạo. Ảnh: Đức Thu/ baohaiquanvietnam.vn

Dịp này, Tàu 015-Trần Hưng Đạo (Lữ đoàn 162 – Vùng 4 Hải Quân), cùng đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân làm Trưởng đoàn, đã tham gia các hoạt động trong khuôn khổ diễn tập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam ÁASEAN-Ấn Độ (AIME); Hội thảo hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (HADR); trao đổi chuyên môn (SMEE)… Thông qua các hoạt động của chuỗi các sự kiện tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng trong ứng phó với các thánh thức chung về an ninh hàng hải; tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp hiện có giữa Quân đội và Hải quân Việt Nam với Quân đội và Hải quân các nước ASEAN nói riêng và các nước ngoài khu vực nói chung.

Trưng bày hơn 500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về di sản biển, đảo Lý Sơn   

Ngày 29/4, UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khai mạc Trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh với Chủ đề “Lý Sơn – Di sản văn hóa biển, đảo” năm 2023. Trưng bày giới thiệu đến người dân và du khách hơn 500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về văn hóa con người, cảnh đẹp và truyền thống bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cư dân Lý Sơn.

Lễ hội văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam - ảnh 4Du khách tham quan Trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh với chủ đề “Lý Sơn – Di sản văn hóa biển, đảo”. Ảnh: VOV

Trong đó, hơn 100 hình ảnh, hiện vật, tư liệu, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa - những bằng chứng pháp lý minh chứng đầy đủ về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; trưng bày, giới thiệu hình ảnh, hiện vật văn hóa nông, ngư nghiệp, di sản địa chất thắng cảnh núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền, thạch Cổng Tò Vò và di sản phi vật thể quốc gia lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh.

Trưng bày kéo dài đến ngày 5/5 mang tới một góc nhìn về đời sống sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng của người dân Lý Sơn từ xưa đến nay… giúp người dân và du kháh trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về văn hóa, con người và vẻ đẹp của Lý Sơn và lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa.

Tri ân những người lính Hoàng Sa hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc     

Ngày 5/5 (tức ngày 16/3 âm lịch), Ban Khánh tiết đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng các tộc họ làng An Vĩnh tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân Đội hùng binh năm xưa đã tiến hành đo đạc hải trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền đối với hai quần đảo quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Lễ hội văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam - ảnh 5Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc họ trên huyện đảo tổ chức tại di tích Quốc gia Đình Làng An Vĩnh. Ảnh: CTV Hữu Danh/VOV

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các gia đình làng An Vĩnh, các dòng tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức hàng năm và trở thành lễ hội dân gian mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện lòng tri ân của người dân đảo đối với những người lính đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Theo các tài liệu ghi chép lại, vào thế kỷ XVII, Hải đội hùng binh Hoàng Sa vâng lệnh triều đình vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ để xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện ở các tộc họ trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ các tài liệu Hán Nôm liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lễ hội văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam - ảnh 6Sau phần lễ là Hội đua thuyền truyền thống Tứ Linh – một nghi lễ không thể thiếu trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: CTV Hữu Danh/VOV

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghi lễ tổ chức tại đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa, giúp kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Sau phần tế lễ là nghi lễ thổi Ốc U hiệu lệnh cho những trai tráng rước thuyền và hình nhân thế mạng thả trôi ra biển hướng Hoàng Sa - Trường Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước và lễ đua thuyền truyền thống Tứ Linh.

Được các tộc họ trên đảo Lý Sơn duy trì hơn 400 năm qua, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác