Thính giả từ các nước Đức, Nhật Bản, Pháp, Mỹ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới VOV5

(VOV5) - Thính giả từ các nước Đức, Nhật Bản, Pháp, Mỹ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể phóng viên, cán bộ của VOV5. 

Bước vào năm mới, thính giả tiếp tục chia sẻ tình cảm với các chương trình. Qua chương trình, thính giả cũng muốn biết một số phong tuc truyền thống của ngày Tết của Việt Nam. 

Nghe âm thanh tại đây:

Chào quý vị, chào các bạn,

Những ngày đầu xuân mới, chúng tôi, những người làm chương trình rất vui khi lại được gặp gỡ quý thính giả trong chuyên mục hôm nay. Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, đất nước lại đón những đợt mưa rét và nhiệt độ ngoài trời khá lạnh. Cho dù vậy, chúng tôi, những người làm chương trình vẫn cảm thấy ấm lòng khi mở những dòng thư, thiệp chúc mừng từ khắp nơi gửi về.

Thính giả từ các nước Đức, Nhật Bản, Pháp, Mỹ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể phóng viên, cán bộ của VOV5. Nhiều thính giả bày tỏ: những nội dung mà các chương trình truyền tải giúp cho các bạn hiểu về lễ hội của Việt Nam, những phong tục của Tết Nguyên Đán nói riêng và văn hóa việt Nam nói chung. Một số thính giả từ  Cuba, Peru cùng đồng cảm: các chương trình phát thanh tuần qua với nhiều chuyên mục về văn hóa, nghệ thuật, các phóng sự, bài bình luận, tọa đàm đã phản ánh khái quát về đất nước VN với muôn màu sôi động.

 

Và trên trang web cũng vậy, những màu sắc và không khí lễ hội cùng thông tin về  Tết cổ truyền của người Việt diễn ra ở toàn thế giới đã được kịp thời đăng tải.

Mở đầu là màu sắc, âm thanh của chương trình Xuân quê hương dành cho kiều bào; những hoạt động Tết cổ truyền và chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh,  cùng nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa của người Việt đã được các cộng tác viên, phóng viên thường trú trong nước và ở các nước Mỹ, Pháp, Sec, LB Nga,  Campuchia, Lào, Nhật Bản, Australia kịp thời thông tin. Chương trình cũng đón khá nhiều kiều bào về nước tới Đài TNVN để thông tin về các hoạt động, các chương trình khởi nghiệp, từ thiện xã hội. Nhiều thính giả gắn bó với các chương trình như Phan Thích, ở Hưng Yên; Lê Quang Vinh, ở Đức vẫn thường xuyên theo dõi làn sóng của Đài TNVN và bày tỏ hy vọng, Đài TNVN ngày càng phát triển.

Quý thính giả thân mến,

Những lá thư gửi về cho chúng tôi cũng là những mong muốn được khám phá nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam qua các nội dung mà thính giả quan tâm. Mở đầu là thư của các thính giả chương trình tiếng Campuchia hỏi về ý nghĩa của tục lệ đi chùa đầu năm của người Việt:

Phong tục đi chùa đầu năm, một hoạt động gắn liền với đạo Phật đã trở thành nét văn hóa truyền thống và được duy trì trong các gia đình người Việt. Mọi người đến chùa để mong tìm sự bình an cho gia đình, nghiệm ra nhiều giáo  lý, từ đó, có thể dạy cho con cháu biết sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Tết đến, xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Vì vậy, người Việt có phong tục đi chùa cầu bình an, cầu những may mắn trong năm mới. Không chỉ tại Việt Nam, đi chùa cũng trở thành nét văn hóa tâm linh của người Việt ở nhiều nước. Bà con kiều bào về thăm quê đều chia sẻ: tục đi chùa, lì xì đầu năm đã trở thành tiềm thức, văn hóa không thể thiếu của người Việt. Chính vì vậy, đêm 30 Tết, sau khoảnh khắc giao thừa hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may. Tuy vậy, năm nay, khi dịch nCOv xảy ra, thì số lượng người tới các chùa đầu năm cũng giảm hẳn, để đảm bảo sức khỏe.

Cũng là một phong tục Tết cổ truyền của người Việt, nhiều thính giả muốn biết vì sao  trong 12 con giáp của Việt Nam không có con thỏ mà được thay bằng con mèo?

Như các bạn đã biết, tại Việt Nam, năm Mão tượng trưng cho loài mèo thì tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đây lại là năm Thỏ.  Có khá nhiều cách lý giải và cho tới nay câu trả lời vẫn chưa rõ và các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, từ trước tới nay, cũng đã có giải thích về điều này  theo âm hán Việt và trong từ điển Việt Nam thì chữ Mão nghĩa là con thỏ lại được dùng để chỉ mèo. Thứ hai, nhiều chuyên gia cho rằng đó là do môi trường thiên nhiên như Việt Nam không phải là nước có điều kiện để loài thỏ phát triển. Ngược lại, loài mèo là người bạn gần gũi với mỗi gia đình. Cuối cùng là quan niệm phong thủy, trong 12 con giáp đã có chuột là loài gặm nhấm thì thỏ không nên có. Và con mèo được thay thế là điều tốt và hợp lý cho sự cân bằng âm dương, dung hòa các mặt trong vũ trụ.

Rằm tháng giêng sắp tới và một số thính giả gửi thư từ Kalimantan, Indonesia, hỏi về ngày này mà họ được biết có tên là Tết Nguyên tiêu ở Việt Nam.

Tết Nguyên Tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 ( đêm trước Trăng Rằm) cho đến nửa đêm 15 tháng Giêng âm lịch. Tết Nguyên Tiêu mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên gia đình. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau, nấu ăn, hàn huyên nói chuyện, sau đó cùng thưởng trà, ăn bánh trôi nước và ngắm trăng. Đây cũng là dịp để mỗi người bày tỏ lòng thành kính với thần, Phật, tổ tiên. Vào Rằm tháng Giêng, nhìn chung người dân khắp nơi thường thả hoa đăng hay lên chùa khấn Phật. 

Trước khi chia tay thính giả, sau những câu chuyện về Tết, chúng tôi không thể quên nhắc tới một vấn đề đang được toàn cầu quan tâm theo dõi với nhiều diễn biến phức tạp. Đó là dịch nCOv do virus corona. Nhiều thính giả từ các nước, trong đó có Trung Quốc, Pháp quan tâm về dịch này và hỏi có khiến người việt hoang mang không  và cách mà chính phủ Việt Nam đang đối phó. Cũng không thể đầy đủ, kỹ lưỡng nhưng chúng tôi cũng thông tin sơ bộ như sau:

Tâm lý lo lắng là có vì đây là dịch bệnh khá phức tạp, lây lan nhanh, với tâm dịch là Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, quốc gia cạnh Việt Nam. Việc di chuyển, du lịch đã khiến bệnh dịch lan rộng.  Những thông tin hàng ngày được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã khiến người Việt rất quan tâm. Tuy vậy, Chính phủ  Việt Nam cũng đã có biện pháp kịp thời để đối phó. Đó là công bố dịch, khoanh vùng, cách ly các trường hợp nghi lây nhiễm. Hạn chế người dân di chuyển, không tụ tập và tiến hành khử trùng. Tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn. Đặc biệt, các trường học cho học sinh, sinh viên nghỉ hoàn toàn. Không bưng bít thông tin và sẵn sàng đối phó với những biện pháp nghiêm ngặt, ý thức về dịch bệnh của mỗi người dân  là thành công trong cuộc chiến này.

Quý thính giả thân mến, hãy cố gắng mỗi người tự bảo vệ mình, xua tan nỗi lo lắng về dịch bệnh và luôn thắp lên niềm tin rằng tình yêu thương và  đồng cảm sẽ giúp gắn kết tinh thần đẩy lùi mọi bệnh dịch. Hình ảnh đâu đó trên đường phố Việt Nam, đã xuất hiện những con người tốt bụng, bỏ tiền túi để mua và phát miễn phí khẩu trang cho người nghèo. Hay các em nhỏ, lấy tiền lì xì để mua khẩu trang tặng các bạn. Hoặc những chia sẻ qua tin nhắn, video clip về cách giữ gìn sức khỏe, tự bảo vệ mình, giúp cập nhật thông tin về tình hình… Tất cả sự cộng đồng trách nhiệm là nét đẹp và sức mạnh của một dân tộc luôn được phát huy trong thời khắc khó khăn.

Quý thính giả thân mến,

Cám ơn quý vị thính giả đã đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Ban Đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 243. 8 252 070.

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web www.vovworld.vn vào lúc: 10h-11h (giờ Hà Nội) tức từ 03h đến 04h (giờ quốc tế) và vào lúc 22-23h (giờ Hà Nội), tức là từ 15h đến 16h (giờ quốc tế). Để tiện theo dõi các chương trình của chúng tôi từ điện thoại di động, quý thính giả có thể tải ứng dụng vov media xuống điện thoại di động; sử dụng hệ điều hành android hoặc IOS và chọn nghe VOV5. Hẹn gặp quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Phản hồi

Các tin/bài khác