Trả lời thính giả về Bảo tàng gốm Bát Tràng, người Việt lọt kỉ lục Guiness trong lĩnh vực thể thao

(VOV5) - Thính giả gửi thư mong muốn được tìm hiểu về các địa danh du lịch, các lĩnh vực đời sống xã hội của  Việt Nam. 

Tuần qua, gửi thư về chương trình, các thính giả hỏi về một số lĩnh vực đời sống xã hội, các địa danh du lịch của Việt Nam: làng gốm bát Tràng, các sản phẩm OCOP của Điện Biên..

Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,

Gửi thư về tuần qua, các thính giả chúc mừng người Việt với những sự kiện lớn trong tháng 5.

Thính giả Armando Francisco Higuera del Reyo, người Mexico viết: “134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động được triển khai và mỗi người trân trọng những bài học cuộc sống quý giá của Người. Ở Mexico, chúng tôi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ngưỡng mộ và kính trọng”. Thính giả Trương Hàn Văn ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, viết: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vì những cống hiến vĩ đại của Người”. Còn thính giả từ LB Nga cũng chia sẻ   nước Nga tưởng nhớ Hồ Chí Minh với tình cảm sâu sắc như tưởng nhớ Lênin. Thính giả từ Tây Bengal, Ấn Độ gửi về chương trình báo cáo bắt sóng chương trình của Đài. Thính giả chia sẻ qua các bài viết, hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Quý thính giả thân mến, tiếp tục phần trả lời thư của thính giả, tuần này, từ tỉnh Nara, Nhật Bản, thính giả Mikio Kohara hỏi vào dip nghỉ lễ dài vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, người Việt Nam thường làm gì ngoài việc đi du lịch?

Những kỳ nghỉ lễ dài là những thời điểm người Việt thường tổ chức tụ họp cùng gia đình. Đối với những người còn cha mẹ, người thân ở quê, nhiều gia đình có thể đi về quê để nghỉ ngơi, thư giãn, thăm cha mẹ, người thân trong gia đình. Ngoài ra, một số lớn người Việt ở lại nơi mình sống, tụ tập nấu ăn, xem vô tuyến hoặc đi xem phim, xem ca nhạc, hoặc cho trẻ con tới những khu vui chơi giải trí.

Nhiều thính giả hỏi về việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, như việc bảo tồn và duy trì các lễ hội đặc sắc của dân tộc thiểu số ở Việt Nam?

Việc bảo tồn, duy trì các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Thời gian qua, ngành văn hóa và thể thao từ trung ương tới các địa phương đã có nhiều giải pháp để triển khai hoạt động này.  Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản  về việc tổ chức hoạt động bảo tồn Lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số. Theo đó, các tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tổ chức bảo tồn Lễ hội truyền thống tiêu biểu. Bộ cũng yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng bảo tồn các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị của Lễ hội truyền thống các dân tộc. Cụ thể các tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Giang, Phú Thọ đã có các hoạt động bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống với sự tham gia của các nghệ nhân, các học viên là người dân tộc. Các tỉnh cũng tổ chức các hội thảo khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thính giả Moroz Tatyana, từ Nga, muốn tìm hiểu về người Việt lọt kỉ lục Guiness trong lĩnh vực thể thao. Chương trình xin thông tin như sau:

Nguyễn Hoàng Long (biệt danh Ti Long) - cựu Vận động viên Bóng bàn đội tuyển nam TP. Hồ Chí Minh đã thiết lập kỷ lục Guinness Thế giới khi trở thành người Việt Nam đầu tiên có cú đánh Bóng bàn nhanh nhất. Ti Long đã từ giành huy chương đồng đôi nam nữ tại Đại hội thể thao toàn quốc năm 2010; huy chương đồng đồng đội nam tại giải vô địch Bóng bàn toàn quốc 2014. Từ năm 2016, Hoàng Long chuyển sang công tác huấn luyện tại CLB Ti Long do chính anh thành lập, đặt tại Quận Thủ Đức. Tại đây, anh đã không ngừng rèn luyện, tập luyện và trau dồi thêm các kỹ năng chuyên môn, đồng thời lan tỏa năng lượng, truyền đạt kinh nghiệm với vai trò là huấn luyện viên giàu tâm huyết tới các học viên đang tập luyện tại CLB. Sự nỗ lực của Hoàng Long đã được đền đáp khi vào tháng 9/2023, anh được tổ chức International Book of records ghi nhận kỷ lục "Người có cú đánh bóng bàn nhanh nhất với kết quả 195km/giờ". Cùng với đó, Hoàng Long được ghi nhận là huấn luyện viên trẻ nhất từng huấn luyện cho các học viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới (đến nay đã có học viên từ 26 quốc gia khác nhau tập luyện tại CLB Ti Long).

Thính giả Phaymani, ở Lào, muốn tìm hiểu các sản phẩm OCOP tại tỉnh Điện Biên?

Theo thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 2 sản phẩm OCOP 4 sao, 64 sản phẩm OCOP 3 sao và 6 sản phẩm đã trình đề nghị Hội đồng tỉnh đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023. Những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực gắn với các thế mạnh của địa phương. Một điểm nổi bật trong phát triển các sản phẩm OCOP tại Điện Biên chính là sản phẩm OCOP được bày bán tại các điểm du lịch đã tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Điện Biên và “níu” chân du khách lưu trú lâu hơn tại các điểm du lịch. Lượng khách du lịch đến Biên Biên và số ngày tham quan, lưu trú ngày càng tăng lên. Những sản phẩm OCOP 4 sao của Điện Biên có thể kể đến như Mật ong hoa ban, đông trùng hạ thảo khô, trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Gạo Tâm sáng-Séng Cù, thịt lợn khô v..v

Thính giả Pháp Maguy Roy muốn biết thêm về Bảo tàng gốm Bát Tràng.

Bảo tàng gốm Bát Tràng tọa lạc tại địa chỉ số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Bảo tàng được xây dựng từ năm 2018 do Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế. Bảo tàng Bát Tràng được đầu tư con số lên đến 150 tỉ đồng và được xây dựng trên một khu đất có diện tích 3.700m2, với một mặt hướng vào làng Bát Tràng, một mặt hướng ra kênh Bắc Hưng Hải thơ mộng. Bảo tàng gốm Bát Tràng có kiến trúc rất độc đáo gồm 5 tầng nổi, 1 tầng hầm và hai dãy nhà 2 tầng 4 mái lợp ngói hai bên. Đến đây bạn sẽ có cảm giác như đang bước vào lòng của một lò gốm thủ công xưa. Tại đây còn trưng bày các tác phẩm gắn liền với từng thời kỳ phát triển và nhiều hình ảnh tái hiện bức tranh đặc trưng của làng gốm như lò bầu, lò ga, lò hộp,...Thêm một lợi thế khi tham quan bảo tàng gốm Bát Tràng nữa là du khách có thể nghỉ ngơi, thưởng thức cà phê ngay tại đây.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác