(VOV5) - Các thính giả cũng khẳng định, Đài TNVN đã cung cấp cho thính giả nhiều thông tin thú vị.
Trong thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả chia sẻ sự thú vị về các chươn trình của Đài TNVN; yêu cầu được cung cấp nhiều thông tin thú vị.
Nghe chương trình tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Những lá thư của thính giả ở khắp nơi gửi về tuần qua, bày tỏ mong muốn luôn được đồng hành với các chương trình của Đài TNVN. Các thính giả cũng khẳng định, Đài TNVN đã cung cấp cho thính giả nhiều thông tin thú vị.
Thính giả Đinh Lục, người Trung Quốc chia sẻ, suốt 1 năm đồng hành cùng với các chương trình, ông cảm nhận được mối liên hệ khăng khít và sự ủng hộ của các ê kip. Các thính giả từ Tây Ban Nha nhận xét: “Ba kỷ nguyên tái thiết, đổi mới và vươn mình của Việt Nam có tầm quan trọng to lớn và đã mang lại thành công trong việc củng cố nền chính trị và xã hội Việt Nam. Nhiều thính giả cảm thấy sự động viên và chia sẻ tin tức của những người làm chương trình, giúp cho họ hiểu hơn về Việt Nam.
Chúng tôi cũng nhận được khá nhiều bình luận của thính giả qua theo dõi các bài viết trên trang web. Những bình luận bày tỏ thú vị và những thông tin bổ ích về những phong tục tập quán của người Việt, những gương mặt người Việt ở trong nước và nước ngoài trên các lĩnh vực…Đồng thời, thính giả cũng mong muốn được cung cấp nhiều thông tin hơn nữa về lĩnh vực ca nhạc, các điểm đến du lịch, sức khỏe…
Quý thính giả thân mến, thính giả Jyrki Hytonen của Phần Lan hỏi về đặc trưng Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.
Phong tục Tết của người Việt có những đặc sắc rất riêng và trở thành truyền thống lâu đời. Đầu tiên là trước Tết (tức là ngày 23 tháng Chạp Âm lịch), người dân bắt đầu cúng ông Công, ông Táo. Sau đó, các gia đình bao giờ cũng có bữa cơm tất niên vào ngày 30 Tết và chờ đón Giao thừa. Sang đến mồng Một Tết, cả gia đình quây quần và tập hợp về nhà con trưởng, sau đó phân công nhau đi chúc Tết họ hàng. Có thể nói, ngày Tết tuy bận rộn nhưng ai cũng cảm thấy vui vì không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Thính giả Sok Lay, người Campuchia, muốn tìm hiểu về món chả rươi và một số quán chả rươi ngon tại Hà Nội.
Chả rươi Hà Nội là một món đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hà thành của Việt Nam. Món Chả rươi Hà Nội thường ăn kèm cùng rau mùi, húng thơm và nước mắm chấm pha chanh ớt đậm đà, cay nồng thú vị. Món ăn này xuất hiện tại Hà Nội cách đây hàng chục năm về trước. Để ăn được chả rươi ngon nhất, người ta sẽ chế biến rươi vào 2 vụ rươi chính đó là từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch và tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Sự đặc sắc về hương vị, sự đa dạng về thành phần dinh dưỡng và sự khan hiếm về số lượng đã biến rươi thành loại đặc sản mà ai cũng muốn thưởng thức. Món ăn này chính là sự kết hợp giữa đặc sản vùng miền với ẩm thực truyền thống tạo nên sức cuốn hút của vùng đất này. Cái vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi, trộn cùng trứng gà, vỏ quýt, cọng húng thơm hấp dẫn đến độ ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Chúng tôi xin giới thiệu một số quán chả rươi ở Hà Nội. Đó là quán Hưng Thịnh ở số 1 Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm. Chả rươi Hằng Béo ở 244 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng. Chả rươi Hòe Nhai ở 19 dốc Hòe Nhai, Ba Đình. Quán chả rươi ở 16B Đường Thành, Hoàn Kiếm…
Thính giả, Lim Makara, tỉnh Takeo, Campuchia, muốn chương trình giới thiệu thêm về nguồn gốc của Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa được UNESCO ghi nhận.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc, An Giang), một lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ. Truyền thuyết kể rằng, cách đây hơn 200 năm, núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Trong thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu, có lần chúng lên đỉnh núi Sam thì gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển tượng được nên phải bỏ lại. Dân làng thấy vậy nên có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động nhưng không làm được. Các bô lão trong làng cầu khấn thì có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư mách bảo: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ. Ban đầu, miếu bà được xây dựng đơn sơ. Hàng năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam) thu hút hàng triệu lượt du khách ở khắp nơi trong và ngoài nước đến để tham quan, chiêm bái.
Từ Okayama, Nhật Bản, thính giả Uemura Akio hỏi ở Việt Nam nhạc Jazz phát triển không?
Jazz vào Việt Nam khá sớm, được nhen nhóm trong những quán bar, câu lạc bộ. Nhưng dấu mốc lớn nhất của Jazz Việt song hành cùng người tiên phong là Nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh. Miệt mài, kiên nhẫn, thậm chí quăng quật với Jazz, nghệ sĩ Quyền Văn Minh vẫn tin một ngày nào đó, Jazz sẽ chiếm lĩnh tai nghe của người Việt. “Bình Minh Club” của ông ở số 1 Tràng Tiền không chỉ biểu diễn những bản nhạc jazz nổi tiếng thế giới, Quyền Văn Minh còn mơ về một giấc mơ Jazz Việt.
Gần nửa thập kỷ qua, ông âm thầm khai phá mảnh đất hoang đó. Trong live show kỷ niệm 50 năm Những người giữ lửa cho Jazz Việt, không chỉ có một vài cá nhân như Quyền Văn Minh hay con trai ông, Quyền Thiện Đắc, mà thực tế, đang có một thế hệ trẻ được đào tạo về Jazz.
Dù muốn hay không, thứ âm nhạc ấy vẫn dội vào đời sống, với những nghệ sĩ tiên phong luôn muốn đi tìm cái mới. Hiện nay, ở nhiều khu vực của Việt Nam, nhạc Jazz phát triển tại các câu lạc bộ, quán bar, các tụ điểm công cộng thu hút khá đông người dân tới thưởng thức.
Thính giả Meilin, ở Trung Quốc, gửi thư hỏi, Việt Nam có kế hoạch bồi dưỡng và tập luyện cho các cầu thủ bóng đá trẻ trong chiến lược vươn ra khỏi tầm châu lục không?
Với các đội tuyển trẻ, Liên đoàn bóng đá Việt Nam hướng tới đầu tư nâng cao trình độ. Trong tháng 9 và 10, vòng loại U20 châu Á 2025 (dành cho đội U20 Việt Nam) và vòng loại U17 châu Á 2025 (dành cho đội U17 Việt Nam) sẽ diễn ra và mục tiêu của VFF là đầu tư cho các đội tuyển trẻ hướng tới sân chơi châu Á. Nhằm giúp các cầu thủ trẻ nâng cao trình độ, VFF sẽ tạo điều kiện cho các đội tuyển trẻ đi tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế trong thời gian tới. Cụ thể, để chuẩn bị tốt cho giải vòng loại U20 châu Á năm 2024 diễn ra vào tháng 9 tới, VFF sẽ cử đội tuyển U19 và U16 Việt Nam đi tập huấn tại Nhật Bản. Các đơn vị đào tạo trẻ trong nước cần chung tay, tìm nguồn tài chính ổn định để tổ chức thêm nhiều giải đấu trong nước cho cầu thủ trẻ thi đấu giao hữu, nhằm nâng cao trình độ “thực chiến” mới có thể giúp cầu thủ trẻ nhanh tiến bộ.