(VOV5) - Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đều đặn mỗi ngày đều triển khai loa truyền thanh không dây đi đến các bản, thôn phát các nội dung tuyên truyền về bầu cử.
Chỉ hơn 10 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Với đặc thù người dân tộc thiểu số chiếm số đông (hơn 80% dân số toàn tỉnh), tỉnh Sơn La đã và đang chú trọng tuyên truyền về bầu cử bằng các thứ tiếng dân tộc, để người dân hiểu và nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bầu cử, từ đó tích cực tham gia, góp phần làm nên thành công cho ngày hội lớn sắp tới.
Sơn La có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, ở nhiều bản vùng cao, bà con sinh sống không tập trung... Vì vậy, những ngày này, các thành viên các tổ bầu cử ở các xã, bản phải lội suối, vượt đồi về tận bản, xuống gặp từng hộ dân để tuyên truyền.
Tại xã Chiềng Xôm, Thành phố Sơn La, đều đặn mỗi ngày, loa truyền thanh không dây của các bản lại vang lên nội dung tuyên truyền về bầu cử. Trưởng bản Panh Lò Văn Chơ cho biết, bản có 150 hộ, gần 400 khẩu, đa phần là dân tộc Thái, nên việc tuyên truyền được triển khai chủ yếu bằng tiếng Thái: “Sau khi sáp nhập thì bản có 2 dân tộc là Kinh và Thái, nhưng người Thái nhiều hơn nên chúng tôi vẫn chú trọng tuyên truyền bằng tiếng Thái. Mỗi ngày chúng tôi phát loa 2 lần vào buổi sáng và chiều tối, để mọi người dân ở trong bản ai cũng nghe được và hiểu được các nội dung của cuộc bầu cử”.
Tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, nơi có 23 bản với 2.779 hộ dân là đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Sinh Mun và Khơ Mú, Chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền cho người dân bằng 4 thứ tiếng để đông đảo người dân hiểu và nắm bắt được thông tin, ý nghĩa của ngày bầu cử.
Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, cho biết: “Tuy là xã biên giới nhưng diện tích và địa hình của xã lại nằm gần đường quốc lộ hơn các địa phương khác nên việc tuyên truyền về ngày bầu cử cho bà con cũng gặp nhiều thuận lợi. Bà con đa phần hiểu và biết tiếng Kinh. Tuy nhiên ở những bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi vẫn tổ chức tuyên truyền phổ biến bằng tiếng dân tộc, nhất là khi tổ chức các hội nghị triển khai cuộc bầu cử”.
Cùng với chính quyền xã, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đều đặn mỗi ngày đều triển khai loa truyền thanh không dây đi đến các bản, thôn phát các nội dung tuyên truyền về bầu cử. Trung tá Quàng Văn Xôm, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, cho biết: “Đồn đã phối hợp với xã, bản tuyên truyền cho bà con… Chúng tôi làm các USB gắn vào loa lưu động và dùng xe máy đi đến các bản, làng. Cứ cách ngày là chúng tôi đi đến các bản vùng cao. Ngoài ra chúng tôi cùng với xã tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con”.
Qua việc tuyên truyền bằng các thứ tiếng của chính đồng bào, người dân các dân tộc trên địa bàn hiểu được mục đích, ý nghĩa của đợt bầu cử, nắm được quyền và nghĩa vụ của mình nhằm lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.