Chỉ thị 45: cầu nối thúc đẩy hơn nữa nguồn lực kiều bào

(VOV5) - Đây là dịp để đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị,  đề ra phương hướng, chủ trương, nhằm nâng cao hiệu qủa hơn nữa công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 27/11, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Đây là dịp để đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị, trên cơ sở đó, đề ra phương hướng, chủ trương, cũng như tập hợp những ý kiến đóng góp của kiều bào, các bộ, ban ngành địa phương, để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, chú trọng vào các biện pháp vận động, thu hút nguồn lực kiều bào hướng về quê hương, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc,  tiếng Việt, cũng như tạo điều kiện cho kiều bào yên tâm làm ăn sinh sống tại nước sở tại. Nhân dịp này, VOV5 phỏng vấn Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Mời quý vị cùng theo dõi :

 Nghe âm thanh tại đây:

PV:  Xin ông cho biết, một số kết quả chính, nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 45 thời gian qua ?

Ông Lương Thanh Nghị: Sau 5 năm triển khai chỉ thị 45 của Bộ chính trị liên quan tới công tác về người VN ở nước ngoài, đạt được  những kết quả quan trọng. Trước hết, thể hiện được tư duy, nhận thức của các cấp, bộ, ngành, các địa phương đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, đoàn thể chính trị, xã hội luôn luôn quan tâm, thường xuyên gặp gỡ, dối thoại và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhiều chính sách, pháp luật liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực như xuất nhập cảnh, quốc tịch, sở hữu nhà đất , thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chế độ đãi ngộ những người có công hiện đang định cư ở nước ngoài đã được ban hành. Hệ thống khung pháp lý liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài đã được hình thành, ngày càng tạo thuận lợi cho kiều bào về nước thăm thân, sinh sống làm việc và đầu tư kinh doanh.

Các hình thức tập hợp cộng đồng ngày càng đa dạng phong phú, gắn với các sự kiện chính trị xã hội lớn của đất nước. Các hoạt động như xuân quê hương, trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào, các chuyến đi Trường Sa và nhà giàn DK1 đã được sự tham gia tích cực của kiều bào, tạo hiệu ứng tích cực cho cộng đồng. Các cơ quan trong và ngoài nước tăng cường thu  hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thành lập mậng lưới tri thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp ý kiến về những vấn đề của đất nước.

Chỉ thị 45: cầu nối thúc đẩy hơn nữa nguồn lực kiều bào - ảnh 1 Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Ví dụ: tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có 4 kiều bào tham gia, 17 kiều bào tham gia vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy rất tốt về phản biện và tham mưu về chính sách. Việc dạy và học tiếng Việt đã có chuyển biến tích cực, bồi dưỡng cho hàng trăm lượt giáo viên kiều bào, nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, hỗ trợ trang thiết bị dạy và học cho một số địa bàn. Việ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được chú trọng. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng để phục vụ cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho nghệ sĩ kiều bào về nước tham gia sáng tác, biểu diễn, các vận động viên về nước thi đấu, đóng góp vào thành tích thể thao của Việt Nam trên trường quốc tế, bổ nhiệm các đại sứ kiều bào tham gia vào các hoạt động quảng bá Việt Nam. 

PV: Thưa ông, Chỉ thị 45 về công tác kiều bào, tiếp nối Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị sẽ được triển khai như thế nào để phù hợp trong giai đoạn hiện nay?

Ông Lương Thanh Nghị: Để Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 được triển khai mạnh mẽ và toàn diện trong bối cảnh tình hình mới, thì chúng tôi cho rằng, trước hết, phải nâng cao nhận thức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi người dân đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, quan điểm chỉ đạo của nhà nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là  bộ phận không tách rời  và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam phải được quán triệt sâu rộng từ trung ương tới địa phương; từ trong nước ra ngoài nước, tránh tâm lý coi nhẹ, thành kiến, phân biệt đối xử với người Việt Nam ở nước ngoài. Quán triệt sâu rộng và thực hiện hiệu quả chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, theo đó, mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn thực hiện mục tiêu chung của dân tộc dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh thì đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc. Việc thống nhất về tư tưởng và nhận thức về vai trò của kiều bào giúp cho nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 đi đúng hướng, đi sâu vào thực tiễn cuộc sống

PV: Như ông cho biết, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần đổi mới cả về tư duy, phương pháp, cách thức tiếp cận. Ủy ban sẽ triển khai cụ thể công tác này như thế nào qua Chỉ thị 45?

Ông Lương Thanh Nghị: Trong bối cảnh mới, chúng tôi cho rằng, sau Chỉ thị 45 phải thống nhất về nhận thức, chương trình hành động để làm sao đưa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng thực chất và hiệu quả, thu hút tối đa nguồn lực của kiều bào. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng, có những định hướng tầm nhìn 10 năm 20 năm cho tới 2045, vai trò của kiều bào, đặc biệt đóng góp về kinh tế, khoa học công nghệ rất quan trọng. Chúng tôi nghĩ trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa những chủ trương, chính sách của Nhà nước đã ban hành liên quan tới kiều bào. Thứ hai, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng chúng ta cũng phải thay đổi tư duy, cách làm để có thể động viên, khuyên khích bà con hướng về quê hương đất nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà con khi mà về trong nước đầu tư, kinh doanh. Một vấn đề quan trọng nữa là phải làm sao có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để tạo điều kiện cho kiều bào duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là tiếng Việt. Vì trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thế hệ trẻ kiều bào đứng trước thách thức phải duy trì, gìn giữ được bản sắc văn hóa, nhất là tiếng Việt. 

PV: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những chính sách gì để thu hút nguồn lực kiều bào hướng về quê hương ?

Ông Lương Thanh Nghị: Trước hết phải nói là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, có những thay đổi, những chuyển biến. Đất nước của chúng ta cũng bước vào giai đoạn mới trên con đường hội nhập sâu rộng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đa chiều, đặc biệt, đại dịch COVID ảnh hưởng không chỉ ở nước ta, mà còn một bộ phận kiều bào ở nước ngoài.

Trong bối cảnh như vậy, thì chúng tôi cho rằng, việc thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phải được đặt trong tổng thể công tác chung về người Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp hài hòa với những nhiệm vụ khác, như đại đoàn kết dân tộc, thông tin tuyên truyền cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa, dạy và học tiếng Việt. Ủy ban phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện và xây dựng các chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con về đầu tư, kinh doanh,  thu hút trọng dụng đãi ngộ những chuyên gia trí thức làm việc ở cả khu vực công và khu vực tư.

Một trong những trọng tâm là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các chuyên gia, doanh nhân kiều bào tiếp cận  với thị trường trong nước, đồng hành với kiều bào đưa ra sáng kiến đồng hành trong và ngoài nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu cho chuyên gia trí thức, kiều bào ở nước ngoài. Đặc biệt, chú trọng vào đóng góp của kiều bào trẻ, trí thức trẻ nói chung và kiều bào nói riêng đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, để trao đổi với chính quyền sở tại, làm sao củng cố địa vị pháp lý của bà con để bà con yên tâm sinh sống, làm việc ở nước sở tại. Trong trường hợp bà con trở về nước thì với khung pháp luật hiện nay, như luật xuất nhập cảnh, vấn đề hồi hương, mua nhà, trọng dụng, trọng đãi nhân tài có thể nói tương đối hoàn chỉnh. Vấn đề là làm sao thực hiện thống nhất từ trung ương tới địa phương

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác