(VOV5) - Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2030, GRDP và thu nhập đầu người của tỉnh Lạng Sơn đứng ở TOP 5 tỉnh dẫn đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực thế mạnh, trụ cột là “kinh tế cửa khẩu”. Với những giải pháp tích cực được triển khai, năm qua tình hình xuất nhập khẩu tại Lạng Sơn đạt mốc kỷ lục, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 70 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, phục hồi 100% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương vững tin bước vào năm mới 2025. Nhân dịp này, PV Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn với ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về những vấn đề này.
PV Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, theo Quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực như thế nào để trở thành một tỉnh biên giới có kinh tế phát triển?
Ông Hồ Tiến Thiệu: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lạng Sơn xác định tập trung vào 4 khâu đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội tương đối phát triển ở trong vùng. Thứ nhất chúng tôi tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số để thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thứ 2, chúng tôi đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Thứ 3 chúng tôi phát triển mạnh mẽ kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ để tạo ra động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Thứ 4, chúng tôi tập trung xây dựng các nền tảng cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới để tạo ra sức cạnh tranh của hàng hóa. Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp mang tính chất bền vững lâu dài để thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh trong thời gian tới. Và mục tiêu chúng tôi đề ra đến năm 2030 là GRDP và thu nhập đầu người của tỉnh Lạng Sơn đứng ở TOP 5 tỉnh dẫn đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Phóng viên: Trong thời gian qua địa phương đã chú trọng đầu tư hạ tầng, ứng dụng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh nhằm tăng cao năng lực thông quan, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Hiện đề án này đã được triển khai đến đâu và UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá về hiệu quả trong quá trình vận hành mô hình như thế nào?
Ông Hồ Tiến Thiệu: Được Thủ tướng Chính phủ giao để xây dựng Cửa khẩu thông minh thí điểm cùng với phía Quảng Tây (Trung Quốc), từ khi Đề án được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2024 thì chúng tôi đã tập trung triển khai ngay các nội dung của Đề án. Chúng tôi đã tập trung vào để điều chỉnh các quy hoạch về đất đai, xây dựng liên quan đến việc xây dựng cửa khẩu thông minh để triển khai các nội dung công việc đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Thứ 2 chúng tôi đã trao đổi, thống nhất với phía Quảng Tây (Trung Quốc) để xây dựng Biên bản ghi nhớ để 2 Bên thống nhất trao đổi thông tin trong quá trình xây dựng cửa khẩu thông minh. Thứ 3 chúng tôi triển khai cái công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án cụ thể trong Đề án để có thể sớm lựa chọn được nhà đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài, ngân sách Nhà nước để tổ chức triển khai thực hiện. Và thứ 4 chúng tôi tập trung vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối với cửa khẩu thông minh thông qua việc triển khai các tuyến đường giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc, triển khai các Khu trung chuyển hàng hóa, các dự án bến bãi để cùng với cửa khẩu thông minh tăng được cái năng lực thông quan, từ đó giúp cho hàng hóa của Việt Nam giảm được các chi phí về logistics, tăng được khả năng thông quan của hàng hóa, giúp cho hàng hóa giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng như hàng hóa của nước thứ 3 được thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn một cách thuận lợi, nhanh chóng, giảm được chi phí, thời gian, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Việc triển khai cửa khẩu thông minh mang lại lợi ích rất to lớn cho kinh tế cửa khẩu của Lạng Sơn cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, bởi vì cửa khẩu thông minh là 1 phương thức giao nhận hàng hóa dựa trên khoa học kỹ thuật hiện đại, dựa trên trí tuệ nhân tạo để quá trình thông quan hàng hóa được triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Chúng tôi dự kiến khi triển khai cửa khẩu thông minh thì hết giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng và đi vào vận hành thử nghiệm là quý III/2026 thì sẽ nâng năng lực thông quan hàng hóa lên gấp khoảng 2-3 lần so với hiện nay. Đến năm 2030 khi kết thúc giai đoạn vận hành thử nghiệm thì lượng hàng hóa thông quan sẽ tăng từ 4-5 lần và chúng tôi phấn đấu tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu các loại hình qua địa bàn đến năm 2030 sẽ đạt trên 100 tỷ USD.
Phóng viên: Trong thời gian tới Lạng Sơn sẽ có giải pháp như thế nào để thực sự trở thành cầu nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và Châu Âu thông qua việc chú trọng, phát triển mũi nhọn là kinh tế cửa khẩu?
Ông Hồ Tiến Thiệu: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện để kết nối đến tất cả các cửa khẩu, cụ thể hiện nay chúng tôi đã đang triển khai là đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), nâng cấp Quốc lộ 4B kết nối với tỉnh Quảng Ninh và các tuyến đường khác… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hàng hóa lưu thông, thông quan qua các cửa khẩu. Chúng tôi cũng đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, bến bãi, dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu ví dụ như khu trung chuyển hàng hóa, các bến bãi của của các doanh nghiệp tại khu vực cửa khẩu… để làm sao mở rộng được năng lực chứa được các phương tiện, trang bị các phương tiện, máy móc, trang thiết bị hiện đại để tự động hóa quá trình sang tải, giao nhận hàng hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại của trí tuệ nhân tạo để soi chiếu, kiểm tra hàng hóa, cũng như kiểm soát hàng hóa qua các cửa khẩu. Đặc biệt là các ngành chức năng như hải quan, biên phòng, các doanh nghiệp… thời gian vừa rồi cũng tập trung để đầu tư các trang thiết bị hiện đại này để giúp cho quá trình thông quan hàng hóa được thuận lợi. Và chúng tôi cũng xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giao thương hàng hóa qua các cửa khẩu trên tinh thần hỗ trợ tối đa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tiết giảm thời gian, chi phí logistics cho hàng hóa xuất khẩu qua Lạng Sơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!