Kaopiz Holding: Hành trình định vị công nghệ Việt tại thị trường Nhật Bản

(VOV5) - Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 60%/năm. Năm 2023, doanh thu Kaopiz đạt trên 200 tỷ đồng (hơn 8 triệu USD), trong đó 95% ở thị trường Nhật Bản.
Kaopiz Holding: Hành trình định vị công nghệ Việt tại thị trường Nhật Bản - ảnh 1Đại diện Kaopiz Holdings và Tập đoàn Hammock, Nhật Bản ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư thúc đẩy chuyển đổi số trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phái đoàn cấp cao hai nước trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023

Kaopiz Holding thành lập năm 2014 từ 6 nhân sự khởi nghiệp là sinh viên ĐH Bách Khoa. Năm 2016, thành lập văn phòng chi nhánh tại Nhật Bản. Đến nay, Kaopiz Holding đã trở thành một hệ sinh thái công nghệ với nhân sự hơn 500 người, lọt vào top những doanh nghiệp phát triển phần mềm hàng đầu ở thị trường Nhật Bản. 

Năm 2023, Kaopiz được vinh danh Top 10 Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài của Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, cùng nhiều giải thưởng công nghệ khác. Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông ng Lê Văn Hoàng – CEO Công ty Cổ phần Kaopiz Holdings.

Phóng viên:Thưa ông, khi nhắc đến Nhật Bản thì người ta nghĩ ngay đến một đất nước rất phát triển về khoa học, công nghệ. Vậy các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam do Kaopiz sáng tạo ra đã đáp ứng nhu cầu gì và tiếp cận thị trường Nhật Bản như thế nào?

Ông Lê Văn Hoàng: Nhật Bản là đất nước rất phát triển công nghệ, tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu về phát triển các hệ thống phần mềm rất là lớn để là phục vụ cho quá trình là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Có một sự thiếu hụt rất lớn về các lập trình viên, những người mà làm trong ngành công nghệ thông tin để đáp ứng được cái nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, các kỹ sư Việt Nam có thể học hỏi các công nghệ mới của Nhật Bản, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, thì các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn không thua kém gì các kỹ sư Nhật. Vì thế, chúng tôi đưa ra những sản phẩm, giải pháp có chất lượng tương đương, có khả năng cạnh tranh với chính các doanh nghiệp của Nhật. Các lĩnh vực mà chúng tôi tập trung tại thị trường Nhật Bản là phát triển phần mềm, tối ưu hóa các nhiệm vụ sản xuất… Ngoài ra, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tối ưu hóa các nghiệp vụ sản xuất và nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, hiện tại, chúng tôi có đội ngũ gần 500 kỹ sư làm việc tại Hà Nội và Đà Nẵng. Ngoài ra có chi nhánh ở Tokyo để phục vụ các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản.

Phóng viên: Để cạnh tranh và phát triển ở thị trường sản xuất phần mềm khó tính không dễ dàng. Vậy ông có thể cho biết đâu là thế mạnh của Kaopiz ở thị trường Nhật Bản?

Ông Lê Văn Hoàng: Thế mạnh của Kaopiz đến từ hai thứ. Thứ nhất, đó là có sự tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thứ hai là các kỹ sư Việt Nam có thể giao tiếp, trao đổi được với các khách hàng Nhật Bản trực tiếp bằng tiếng Nhật. Điều này làm cho khoảng cách giữa hai bên rút ngắn rất nhiều. Một thế mạnh nữa đó là các kỹ sư Việt Nam, với khả năng, trình độ không thua kém gì các kỹ sư trên thế giới, có thể đưa ra được những sản phẩm có chất lượng tốt. Các điểm này đã tạo nên thế mạnh của công ty tại thị trường Nhật Bản.

Kaopiz Holding: Hành trình định vị công nghệ Việt tại thị trường Nhật Bản - ảnh 2Kaopiz Smart OCR được vinh danh tại Top 10 Doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số xuất sắc nhất, giải thưởng Make in Viet Nam 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Phóng viên: Kaopiz đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Ông có thể nói rõ hơn về chiến lược và các yếu tố thành công nào đã góp phần vào sự tăng trưởng này?

Ông Lê Văn Hoàng: Chúng tôi đề ra một chiến lược, khẩu hiệu “Trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp Nhật Bản”. Chữ “tin cậy: bao gồm các yếu tố sau: chất lượng phải tốt bởi khách hàng Nhật Bản rất quan tâm đến chất lượng và rất khắt khe. Hai là chúng tôi có thể làm được các sản phẩm high-level (chất lượng cao) trong sản xuất phần mềm. Nghĩa là mình không đơn thuần chỉ làm lập trình mà còn tư vấn các giải pháp, thiết kế. Yếu tố thứ ba là tốc độ phát triển, phải nhanh nhạy, kịp thời. Chúng tôi mong muốn trở trở thành đối tác tin cậy và lâu dài đối với các khách hàng ở Nhật Bản. Và trên thực tế, Kaopiz hiện nay cũng có rất nhiều các khách hàng lâu năm, 7-8 năm kể từ khi chúng tôi có mặt tại thị trường Nhật Bản. Bây giờ họ vẫn tin tưởng và đồng hành cùng Kaopiz.

Phóng viên: Bây giờ nhìn lại những ngày đầu tiên thành lập cách đây 10 năm, ông thấy định hướng chiến lược ở thời điểm này khác so với trước đây như thế nào và Kaopiz cs kế hoạch gì mở rộng hoạt động trong thời gian tới?

Ông Lê Văn Hoàng: So với 10 năm trước thì chúng tôi cần phải trưởng thành lên rất nhiều. Ngoài ra, trong 10 năm qua thì tốc độ ngành công nghệ thông tin phát triển rất nhanh chóng, nhất các công nghệ mới. So với cách đây 10 năm, tôi thấy rằng thị trường về phát triển phần mềm có yêu cầu cao hơn và cạnh tranh hơn. Trước kia, mình chỉ cần có khả năng phát triển phần mềm, lập trình được thì cũng có thể có được những đơn hàng từ phía khách hàng Nhật Bản rồi. Tuy nhiên, càng ngày nhu cầu của khách hàng càng khắt khe hơn. Người ta không chỉ đòi hỏi hơn về chất lượng mà phía các công ty đối tác phải trực tiếp giao tiếp, trực tiếp tư vấn các giải pháp, thực hiện các công việc khó hơn như thiết kế hệ thống.

Do vậy, chúng tôi liên tục cập nhật, trau dồi kiến thức. Kaopiz thành lập bộ phận R&D (nghiên cứu phát triển), với mức đầu tư trên 10% lợi nhuận hàng năm để đưa ra các cái giải pháp, các tư vấn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giúp khách hàng có được lợi thế cạnh tranh nhất trong lĩnh vực mình.

Kaopiz Holding: Hành trình định vị công nghệ Việt tại thị trường Nhật Bản - ảnh 3Kaopiz nhận giải Top 10 Doanh nghiệp Xuất khẩu phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin 2022.

Phóng viên: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng, ông có kế hoạch gì để mở rộng thị trường và khẳng định vị thế của Kaopiz trên trường quốc tế?

Ông Lê Văn Hoàng: Việt Nam đi sau trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuy nhiên, các kỹ sư của Việt Nam với năng lực rất tốt, không thua kém gì các kỹ sư trên thế giới và hoàn toàn chúng ta có thể làm được những sản phẩm có chất lượng tương đương với các công ty trên thế giới. Vì thế, tôi nghĩ rằng đầu tiên là cần phải có sự quyết tâm, kiên định theo định hướng của mình. Thứ hai là phải có niềm tin vào vào bản thân mình, niềm tin có thể tạo ra những cái sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng với tâm thế như vậy, mình hoàn toàn có thể làm được những điều lớn lao.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đứng trước các cơ hội rất lớn để phát triển đất nước. Để tận dụng được những lợi thế của quốc gia trong thời kỳ hiện nay thì điểm đầu tiên thì tôi nghĩ rằng là cần phải chuẩn bị được nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực này có thể đến từ các trường đại học, đào tạo ra những kỹ sư với nền tảng tốt, học hỏi nắm bắt nhanh những công nghệ mới. Các doanh nghiệp có thể chuẩn bị nguồn lực về nhân sự của mình bằng cách có kế hoạch đào tạo trong nội bộ hoặc là xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về một số các lĩnh vực mới, ví dụ như bán dẫn, phần cứng…

Trong thời gian tới, Kaopiz tập trung vào hai mảng chính. Mảng đầu tiên là sản xuất phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Mảng thứ hai là phát triển các sản phẩm make in Việt Nam thương hiệu Kaopiz và đưa các sản phẩm này ra thế giới. Trên thực tế hiện nay, Kaopiz cũng đã có những sản phẩm như vậy rồi. Ở thị trường Nhật Bản đã có những sản phẩm gắn mác của Kaopiz về Trí tuệ nhân tạo (AI) bán cho các công ty ở Nhật và vẫn giữ nguyên bản quyền. Kaopiz mong muốn đẩy mạnh hơn mảng về phát triển sản phẩm, để phần nào khẳng định được Trí Tuệ Việt Nam, nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ với phóng viên VOV5!
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác