Theo Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu tổng quát: “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành kinh tế xanh... Thanh Hóa xác định con người là nhân tố và giải pháp quyết định thành công thực hiện mục tiêu này. PV Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Thi Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, khi ban hành kế hoạch hành động và triển khai thực hiện chương trình hành động về tăng trưởng xanh (giai đoạn 2021 - 2030), Thanh Hóa xác định lợi thế và khó khăn, thách thức thế nào đối với thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh?
Ông Nguyễn Văn Thi: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành kinh tế xanh...
Khi ban hành kế hoạch hành động và triển khai thực hiện chương trình hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, Thanh Hóa xác định có những lợi thế để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, cụ thể: Tăng trưởng xanh là một xu hướng lớn và rất phổ biến trên thế giới, nên được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo; một số mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến tăng trưởng xanh của tỉnh đã được tích hợp, lồng ghép vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; đây là điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện để hoàn thành các mục tiêu về tăng trưởng xanh; Thanh Hóa có vị trí địa lý thuận lợi, với hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam, gần các trục đường quốc gia và cảng biển, cùng với đó là lợi thế về đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án xanh và phát triển các ngành kinh tế xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo và công nghiệp thân thiện với môi trường.
Phóng viên: Thanh Hóa đặt mục tiêu: Tăng trưởng xanh thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài... Việc này đã được cụ thể hóa thế nào trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương?
Ông Nguyễn Văn Thi: Để sớm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng xanh, tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép các định hướng, mục tiêu tăng trưởng xanh vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để chỉ đạo, điều hành, cụ thể:
- Trong Quy hoạch tỉnh: Xác định các quan điểm phát triển tỉnh Thanh Hóa, trong đó có quan điểm: Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Trong kế hoạch phát triển kinh tế hằng năm: Xác định phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh.
Đối với từng ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ, cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhằm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh |
Phóng viên: Thực hiện “Tăng trưởng xanh”, Thanh Hóa quan tâm thế nào đến nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thi: Tỉnh Thanh Hóa đưa ra 05 quan điểm về tăng trưởng xanh, trong đó có quan điểm “Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường”. Quan điểm này nhấn mạnh 02 khía cạnh:
- Thứ nhất “Lấy con người làm trung tâm, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu”: Tăng trưởng xanh không chỉ là sự phát triển kinh tế bền vững mà còn quan tâm đến nhân tố con người, đặt con người làm yếu tố cốt lõi; mọi nỗ lực đều hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ con người trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và môi trường.
Để thực hiện được nội dung này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: (i) Truyền thông, quảng bá, giới thiệu các mô hình, cách làm hay, lối sống xanh, sản xuất xanh và tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống, chống chịu với biến đổi khí hậu, (ii) Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; (iii) Triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các nhóm yếu thế (gồm: phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo, người già) và các nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm do biến đổi khí hậu…
- Thứ hai “Khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số cho đội ngũ cán bộ quản trị công (tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, làm công tác hoạch định chính sách), cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; lồng ghép các nội dung về lối sống xanh, tiêu dùng xanh trong các hoạt động giảng dạy, hoạt động ngoại khóa ở các cấp, bậc học; tích hợp tăng trưởng xanh vào các chương trình, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành nghề xanh.
Thanh Hóa tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng sản xuất xanh |
Phóng viên: Với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Thanh Hóa đưa ra trong thực hiện tăng trưởng xanh đến năm 2030. Cá nhân ông quan tâm và xét thấy cần ưu tiên tập trung nguồn lực, tâm huyết cho công việc nào hơn cả?
Ông Nguyễn Văn Thi: Tôi thấy cả 8 nhóm nhiệm vụ quan trọng, và sát thực, nhưng trước hết chúng ta phải tập trung ưu tiên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân thức cho người dân, doanh nghiệp. Xã hội muốn phát triển, đi đến tăng trưởng xanh, kinh tế xanh thì chúng ta phải vì con người. Con người là chủ thể thì chúng ta phải giáo dục từ thế hệ trẻ, khi còn trên ghế nhà trường, giáo dục các cháu có thói quen, nhận thức, ý thức về phát triển xanh. Từ đó cần có ý thức từ nhỏ, ví dụ như không sử dụng túi nilon, không bỏ rác bừa bải; chúng ta phải học hỏi mô hình các nước như Singapo, 1 đất nước xanh, phải áp dụng mô hình đó để đào tạo.
Chúng ta phải coi trọng nâng cao ý thức trách nhiệm, mà trách nhiệm đây là phải tuyên truyền, vận động, chúng ta phải từ con người trước, rồi đi đến vấn đề thứ 2 là hoàn thiện thể chế, mà hoàn thiện thể chế cũng là con người thực hiện, hoàn thiện. Còn công nghệ chỉ áp dụng cho chúng ta đến nhanh hơn, dễ hơn và tiếp cận tốt hơn. Vì vậy tất cả phải bắt đầu từ con người.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!