Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng

(VOV5) - Với lợi thế có công suất rất lớn từ năng lượng gió và Mặt trời, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á. 

Ngày 31/3, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) tổ chức Hội thảo “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho Việt Nam vào năm 2050”. Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin 2023.

Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng - ảnh 1Các chuyên gia tham gia mục "hỏi và trả lời" tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh cho biết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26, Anh), Việt Nam đã đưa ra những cam kết về việc sẽ trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050, chỉ chậm hơn Đức sau 5 năm. Đây là mục tiêu vô cùng thách thức. Vì thế, Việt Nam rất cần sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế để đạt được mục tiêu này. Và hội thảo bên lề Tuần lễ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin 2023 là cơ hội để các bên giải quyết các vấn đề và các khía cạnh chính của việc thực hiện JETP, để tiếp tục hành trình hướng tới một Việt Nam xanh và một thế giới xanh.

Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi năng lượng - ảnh 2Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển CHLB Đức Jochen Flasbarth phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN

Về phần mình, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức Jochen Flasbarth cho rằng với lợi thế có công suất rất lớn từ năng lượng gió và Mặt trời, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam cũng đã chứng minh được các mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.

Ông Fasbarth khẳng định Đức sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các giải pháp sẵn có của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng có thể được chuyển giao cho Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác