Tiềm năng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử giữa VN và Hungary

(VOV5) - Hungary là một nước có hệ thống giáo dục tốt và nền khoa học công nghệ phát triển, trong đó có ngành năng lượng hạt nhân. Theo thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam với Bộ Nguồn nhân lực quốc gia Hungary, hai bên đã ký kết hợp tác về đào tạo nhân lực hạt nhân giữa Việt Nam và Hungary. Trong tương lai, hai nước sẽ còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.


Nhấn vào đây để nghe âm thanh:



Dự kiến nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức độ cao để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển. Do vậy, việc nghiên cứu, phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam không còn trong tương lai xa nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, theo các chuyên gia, Việt Nam thiếu cán bộ trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân trầm trọng. Đây là một bài toán khó và cần giải quyết cấp bách.

Trường Đại học Kỹ thuật và kinh tế Budapest là một cơ sở lớn nhất về giáo dục đào tạo đại học và trên đại học của Hungary và là một trong những trung tâm nghiên cứu về khoa học quan trọng bậc nhất ở Trung Âu. Trong khuôn khổ ký kết về đào tạo nhân lực hạt nhân giữa hai Bộ hai nước, trường Đại học kỹ thuật và kinh tế Budapest trở thành một trong những địa điểm tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia Việt Nam về năng lượng nguyên tử. Ông Aszódi Attila, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết:Trong thời gian vừa qua, với sự phối hợp tổ chức của Trường chúng tôi và nhà máy điện hạt nhân Poóc thì đã có 2 khóa đào tạo về năng lượng nguyên tử cho các chuyên gia của Việt Nam. Cụ thể là 74 các giảng viên của một số trường Đại học và các nhà nghiên cứu của các viện chuyên ngành về năng lượng ng tử trong thời gian 6 tuần tại Hungary".

 

Tiềm năng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử giữa VN và Hungary - ảnh 1
Ông Aszódi Attila (giữa)

 

Mới đây nhất, từ ngày 11/9/2012 đến ngày 22/10/2012, các cán bộ, chuyên gia của Việt Nam thuộc ngành kỹ thuật hạt nhân đã có chuyến đi tập huấn tại trường Đại học kỹ thuật và kinh tế Budapest và Nhà máy điện nguyên tử Paks tại Hungary. Chương trình học 3 tuần tại Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Budapest được các giáo sư, tiến sĩ Hungary giảng dạy gồm chương trình học lý thuyết và thực hành với nhiều chủ đề thú vị. Các học viên được thí nghiệm trên các thiết bị thực hành tại lò phản ứng nghiên cứu công suất 100 kW của trường. Những chuyên gia Việt Nam còn được tham quan nhà máy điện Nguyên tử Paks gồm 4 tổ hợp lò phản ứng với tổng công suất 2000 MW và có chương trình học 3 tuần tại đây. Đánh giá về các học viên Việt Nam tham dự khóa học vừa qua, ông Aszódi Attila cho biết: "Chúng tôi nhận thấy qua 2 khóa vừa rồi các học viên Việt Nam rất chăm chỉ, hiếu học và quyết tâm  học hỏi những kiến thức mới để mang về thực hiện dự án nguyên tử tại Việt Nam".

Ông Potápi ÁrPád, Nghị sĩ quốc hội Hungary, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết dân tộc quốc hội Hungary đã sang Việt Nam hai lần. Ông cũng bày tỏ sự yêu mến con người Việt Nam thân thiện, cởi mở. Năm 1989 là lần đầu tiên ông sang Việt Nam khi còn là sinh viên. Trong chuyến thăm Việt Nam cùng phái đoàn chính phủ Hungary tháng 1 năm nay, ông thật sự ngạc nhiên về sự thay đổi của Việt Nam: "Việt Nam thời năm 1989 với Việt Nam của hôm nay, tôi khẳng định đã có sự thay đổi và phát triển rất lớn. Con đường mà Việt Nam đã đi qua trong thời gian vừa qua và bước tiếp trong kỷ nguyên mới này, Việt Nam đã tiến được 1 bước rất dài. Việt Nam đang thay đổi từng ngày".
 

Tiềm năng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử giữa VN và Hungary - ảnh 2
Ông Potápi ÁrPád (thứ ba từ phải sang)

 

Ông Kiss István, Giám đốc Trung tâm đào tạo nhà máy điện nguyên tử Paks cho hay: "Lĩnh vực năng lượng nguyên tử tạo ra nhiều cơ hội trên nhiều khía cạnh cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Hungari và Việt Nam. Cả hai bên đều có những nhiệm vụ trong trong thời điểm hiện nay từ việc áp dụng công nghệ như thế nào đến các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và vận hành nhà máy điện. Đây là đề tài tạo ra nhiều cơ hội để hai bên phát triển quan hệ hợp tác". 

Trong thời gian tới, phía Hungary vẫn tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo về năng lượng nguyên tử và sẵn sàng chào đón các nhóm chuyên gia Việt Nam được cử sang Hungary học hỏi kinh nghiệm. Đây là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam đồng thời thắt chặt quan hệ hợp tác trong vấn đề giáo dục đào tạo giữa hai nước./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác