Từng bước kết nối Thủ đô với mạng lưới đô thị thông minh

(VOV5) - Việc chủ động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn đánh thức các nguồn lực mới cho chặng đường phát triển phía trước.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố đã từng bước triển khai chuyển đổi số. Và người dân thủ đô đang thụ hưởng những thành quả từ quá trình này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Trong thực hiện các thủ tục hành chính, giờ đây, người dân Hà Nội dần quen thuộc với các thao tác trực tuyến thay vì trực tiếp. Ứng dụng VneID, ứng dụng do Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân, được đưa vào sử dụng phổ biến. Sử dụng ứng dụng này trên cổng dịch vụ công quốc gia, người dân có thể làm thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến.

Chị Mai Đặng Thanh Thanh, người dân quận Cầu Giấy, bày tỏ: "Em thấy ứng dụng Vneid khá phổ biến và dễ dùng, tốc độ khá nhanh. Đỡ tốn thời gian rất nhiều.

 Từng bước kết nối Thủ đô với mạng lưới đô thị thông minh - ảnh 1Các nhà mạng sẵn sàng hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Cao Hưng/  tuoitrethudo.com.vn

Còn tại bệnh viện Đa khoa Quốc Oai, nằm ở huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội, những tháng gần đây đã không còn cảnh đông đúc ở khu vực đón tiếp người tới làm thủ tục khám bệnh. Chiếc máy đọc mã QR đã giải quyết tất cả. Những gì người bệnh cần mang theo chỉ là chiếc thẻ căn cước công dân gắn chip. Anh Nguyễn Văn Lâm, người dân huyện Quốc Oai, cho biết trước đây, khi đi khám bệnh, anh luôn phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh và xuất trình chứng minh nhân dân để bệnh viện kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh. Tuy nhiên đến nay, việc khám, chữa bệnh của anh đều sử dụng căn cước công dân. Điều này đã giúp anh giảm thời gian và đỡ mang theo nhiều giấy tờ: "Em đi khám ở bệnh viện nhiều lần rồi thì lần này thấy tiện lợi hơn. Mình không phải mang 2, 3 cái thẻ nữa.

Hoạt động khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tại bệnh viện Đa khoa Quốc Oai mang lại nhiều tiện ích không chỉ cho người bệnh mà cho cả các y, bác sĩ.

 Từng bước kết nối Thủ đô với mạng lưới đô thị thông minh - ảnh 2Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến cho người dân tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: VGP

Chị Chu Thị Mai Hoa, Khoa Khám bệnh, bệnh viện Đa khoa Quốc Oai cho biết: "Đối với điều dưỡng thì việc này giúp chúng tôi rút ngắn quy trình đối chiếu giữa thẻ bảo hiểm và căn cước công dân để lấy số cho bệnh nhân. Nhờ đó, thời gian chờ đợi của bệnh nhân sẽ giảm tải hơn."

Sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân còn giúp cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ bảo hiểm y tế. 573/736 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn thành phố đã áp dụng phương thức này.

Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, cho biết: "Ở thời điểm hiện tại, đã có 573 cơ sở trên địa bàn thành phố triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp. Và đã thực hiện thành công gần 194 nghìn lượt người dân dùng căn cước công dân gắn chíp đến để khám chữa bệnh."

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh của thủ đô, trong giai đoạn 1 (2018 - 2020), Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Đó là thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Hà Nội có bước đột phá căn bản về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị.

Đến nay, thành phố đã triển khai phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp (cấp xã/phường; quận/huyện; thành phố), các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (mức độ 4 là cấp cao nhất) đối với gần 1.700 thủ tục hành chính đủ điều kiện (đạt tỷ lệ 100%); kết nối 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia…phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Nhờ đó, kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn, trước hạn trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt tỷ lệ trên 99%. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết: "Việc cải cách là đòi hỏi chung của người dân và doanh nghiệp. Chính từ sự bứt phá và tư duy muốn hùng cường của chúng ta mà Hà Nội đã và đang làm quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Từ Thành ủy đến Uỷ ban nhân dân triển khai rất đồng bộ chủ trương của Chính phủ và của TW".

Trở thành thành phố thông minh vào năm 2030 là hướng đi tất yếu mà Hà Nội phải vươn tới để xứng tầm với vị trí Thủ đô của đất nước. Việc chủ động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn đánh thức các nguồn lực mới cho chặng đường phát triển phía trước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác