(VOV5) - Việt Nam có thể tận dụng những FTA đang có để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,5% trong năm sau. Đây là dự báo được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra trong Triển vọng Phát triển Châu Á tháng 4 năm 2025 (ADO) công bố sáng nay (09/04), tại Hà Nội.
Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng và điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài.
Toàn cảnh cuộc họp báo. |
Giám đốc ADB cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay
Ông Shantanu Chakraborty cho rằng Việt Nam cần tận dụng các cơ hội khác để phát triển. "Những nỗ lực tuyệt vời trong việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác thương mại chủ chốt đã giúp Việt Nam có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Những FTA thế hệ mới rất tích cực và như vậy, mặc dù gặp phải những thách thức trong vấn đề thuế quan nhưng vị thế của Việt Nam vẫn ổn định.
Theo tôi, Việt Nam có thể tận dụng những FTA đang có để mở rộng thị trường xuất khẩu. Xu hướng leo thang về thuế cũng có 1 khía cạnh tích cực nào đó và khi mà chúng ta có những FTA, có sự thống nhất và thỏa thuận với các bên, như: Vương quốc Anh, EU, Hàn Quốc… Đây cũng là cách để Việt Nam có thể đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các FTA này mà không phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Từ đó, chúng ta có thể đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu cũng như tăng cường hơn nữa việc hội nhập kinh tế và phát triển kinh tế."
Các chuyên gia của ADB cho rằng khi các động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, những lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thay đổi. Nắm bắt được những hạn chế và thách thức liên quan tới việc mở rộng sự tham gia và nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là điều rất quan trọng nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước.