Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì

(VOV5) - “Tết “Gạ Ma O” (hay còn gọi là Tết Thiếu nhi) của dân tộc Hà Nhì – thường tổ chức 3 ngày bắt đầu vào ngày thìn đầu tiên của tháng Giêng Âm lịch (năm nay nhằm ngày 8/2 Dương lịch). 

Bước sang năm mới, người dân tộc Hà Nhì sống trên các dãy núi cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, thường tổ chức nhiều nghi lễ thờ cúng, cầu cho trời đất giao hòa, mùa màng bội thu, con người có sức khỏe, cuộc sống bình an. Một trong số đó có tết “Gạ Ma O” dành riêng cho thiếu nhi. 

Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 1Đối với đồng bào Hà Nhì, Tết Gạ Ma O được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất. Ảnh: Minh Phượng

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp lên vùng cao Y Tý tác nghiệp. Giữa mênh mông đất trời, trong màn sương dày đặc, ẩn hiện trên các con đường trong bản là những người đàn ông đội mâm lễ trên đầu, theo sau là thành viên trong gia đình họ. Các cháu thiếu nhi ríu rít, rạng rỡ cùng trang phục truyền thống. Cháu nào cũng mang theo giỏ trứng được nhuộm các màu rực rỡ.

Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 2Ngay từ sáng sớm, mỗi gia đình đã chuẩn bị một mâm lễ vật mang đến sân nhà trưởng bản. Ảnh: Minh Phượng
Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 3Ngày Tết Gạ Ma O, các em nhỏ Hà Nhì được bố mẹ luộc cho những quả trứng nhuộm nhiều màu sắc để mang đi chơi, khi đói thì bỏ ra ăn. Ảnh: nguoiduatin.vn

Tìm hiểu về phong tục truyền thống của người Hà Nhì, Ông Phu Che Thó – Công chức Văn hóa Xã hội xã Y Tý cho biết: “Tết “Gạ Ma O” thường tổ chức 3 ngày bắt đầu vào ngày thìn đầu tiên của tháng Giêng Âm lịch. Trong những ngày này, mọi người kiêng không tham gia lao động sản xuất, chỉ ở nhà thờ cúng gia tiên, vui xuân cùng con cháu. Sang ngày thứ hai, từ sáng sớm tại các thôn bản mỗi gia đình chuẩn bị một mâm lễ, mang đến sân nhà trưởng bản để tổ chức Lễ “giữ giò giò”. Mỗi mâm lễ gồm 12 món, chủ yếu từ nông sản người dân tự nuôi trồng và chế biến như: thịt gà, thịt lợn, bí đỏ, lạc rang, khoai sọ, rượu, trứng…

Những gia đình tham gia phải đạt tiêu chuẩn trong năm không có tệ nạn, đám tang hay bất cứ điều gì xấu. Trước khi cúng lễ người đàn ông chủ gia đình sẽ tự tay cắm một lọ hoa ở nơi thực hiện lễ cúng chung của bản.

Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 4Lễ vật gồm những nông sản do gia đình tự sản xuất như thịt gà, thịt lợn, bí đỏ, lạc rang, khoai sọ, rượu, trứng… Ảnh: Báo Lào Cai
Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 5Trước khi cúng lễ người đàn ông chủ gia đình sẽ tự tay cắm một lọ hoa ở nơi thực hiện lễ cúng chung của bản. Ảnh: Minh Phượng

Thầy cúng thực hiện nghi lễ cùng đại diện các gia đình cầu Thần linh ban cho trẻ em trong bản luôn khỏe mạnh, chăm ngoan, học hành tiến bộ, các gia đình an vui, mưa thuận gió hòa, bản làng no ấm. Sau lễ cúng, mọi người bất kể già, trẻ, gái, trai có thể đến ăn uống rượu chúc phúc cho nhau những điều tốt lành cho năm mới.

Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 6Mọi người cùng liên hoan trong không khí vui vẻ, đoàn kết. Ảnh: Minh Phượng

Ngoài việc thưc hiện nghi lễ nêu trên, người dân và trẻ em thường tập trung tại Nhà văn hóa thôn, cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như nhảy que, nhẩy dây…Điều đặc biệt dành cho trẻ em là tục nhuộm trứng. Trứng gà, vịt được luộc chín sau đó nhuộm các sắc màu bằng việc nấu các loại cây, lá, củ quả. Trứng được cho vào giỏ để các cháu mang đi chơi xuân, khi đói thì lấy trứng ra ăn hoặc có thể tặng, mời bạn bè.” 

Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 7Em nhỏ nào cũng mang theo giỏ trứng nhuộm. Ảnh: Minh Phượng
Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 8Những giỏ trứng sặc sỡ sắc màu thường hàm ý mang theo những sắc hoa cỏ mùa Xuân, mang theo may mắn đến với lũ trẻ, đến với cả gia đình, cầu một năm mới tươi tốt, bình an. Ảnh: Minh Phượng

Trong cái lạnh của mùa đông, bên những bếp lửa hồng trong mỗi căn nhà của đồng bào Hà Nhì, nơi những người phụ nữ chụm đầu tâm sự, nói cười sau những giờ phút tất bật nấu nướng cỗ bàn cho ngày Tết. Ngoài kia văng vẳng giũa núi rừng là tiếng hát, lời ca, tiếng nhịp nhảy múa từ các thôn bản. Những cây đào, lê cũng đua nhau khoe sắc giữa mênh mông đại ngàn như báo hiệu một năm mới khởi sắc, cùng mùa màng tốt tươi. 

Độc đáo Tết “Gạ Ma O” dành cho thiếu nhi của dân tộc Hà Nhì - ảnh 9Phụ nữ và trẻ em thưởng thức những mâm cỗ trong nhà, cùng uống nước ngọt và tiếp nối những câu chuyện dịp đầu năm. Ảnh: Minh Phượng
Y Tý đang ngày một đổi mới, nhiều homestay mọc lên với những nếp nhà trình tường mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Những con đường từ TP Lào Cai lên Y Tý đang được làm mới. Những đề án về quy hoạch và phát triển du lịch đang được gấp rút triển khai. Ông Phạm Văn Tâm – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bát Xát cho biết thêm: “Huyện đã được tỉnh phê duyệt và đang thực hiện “Đề án 05” về quy hoạch và phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, đưa du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2020-2025”. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bát Xát sẽ đón 1,2 triệu lượt khách du lịch và đạt doanh thu 1.980 tỷ đồng với trọng điểm du lịch thuộc địa bàn xã Y Tý bằng việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nhằm kết nối các tuyến, điểm du lịch; Phát triển các sản phẩm du lịch; Thuê tư vấn lập quy hoạch vùng và chi tiết, kêu gọi các nhà đầu tư lớn; Bảo tồn và phát triển cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân gian của các dân tộc trên địa bàn. Điều đặc biệt, để khuyến khích người dân xây dựng các cơ sở lưu trú, du lịch cộng đồng, huyện đã phối hợp với Ngân hàng hỗ trợ người dân vay vốn lên đến 2 tỷ đồng/hộ để xây dựng homestay phục vụ khách lưu trú với điều kiện xây dựng theo quy hoạch và thiết kế được phê duyệt”. 

Phản hồi

Các tin/bài khác