Gia đình là nơi trao truyền tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào

(VOV5) - Những gia đình Việt ở nước ngoài đang nỗ lực hằng ngày mang tiếng nói của quê hương tới gần với các em nhỏ, để các em hiểu được ý nghĩa của nguồn cội quê hương.

Đối với trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, việc học và giữ tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi ông bố, bà mẹ, của mỗi thành viên trong gia đình. Những gia đình Việt ở nước ngoài đang nỗ lực hằng ngày mang tiếng nói của quê hương tới gần với các em nhỏ, để các em hiểu được ý nghĩa của nguồn cội quê hương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Sinh ra và lớn lên ở Pháp, từ nhỏ cho tới khi trưởng thành, cô gái trẻ Ngọc Mỹ vẫn nói được tiếng Việt, cho dù trong giao tiếp, vẫn còn nhiều khó khăn, phải cố gắng nhiều để tìm từ và diễn đạt được nội dung. Trở về Việt Nam thường xuyên, trong những chuyến đi du lịch kết hợp công việc càng giúp cho Ngọc Mỹ trau dồi thêm vốn tiếng Việt.

Gia đình là nơi trao truyền tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào - ảnh 1Ngọc Mỹ ( áo vàng)  trong sự kiện Tết của cộng đồng người Việt tại Pháp

Được tiếp xúc nhiều với người Việt giúp cho Ngọc Mỹ nói tiếng Việt ngày một tốt hơn. Ngọc Mỹ chia sẻ, ngoài nỗ lực bản thân, người mà cô phải cám ơn nhiều nhất chính là mẹ cô bởi bà luôn mong muốn gìn giữ được tiếng nói cho con mình: Em phải cảm ơn mẹ của em. Mẹ em gốc Việt, người Châu Đốc. Sang Pháp mẹ em nói tiếng Việt thường xuyên với em. Vì mẹ em không muốn cho em quên  tiếng Việt, mong muốn con giữ được tiếng Việt và luôn tự hào người Việt. Mẹ khuyên em đọc sách tiếng Việt sẽ biết nhiều từ hơn. 

Gia đình là nơi trao truyền tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào - ảnh 2Chị Kiều Oanh trả lời phỏng vấn 

Đó cũng là mong muốn của chị Kiều Oanh, người Việt tại Nhật Bản làm sao giúp cho con em mình không còn mặc cảm mình không phải là người chính gốc mà mình có mang dòng máu Việt, để các con tự hào mình là người Việt và luôn muốn gìn giữ tiếng nói dân tộc:Ở Nhật, hoàn toàn các con sử dung tiếng Nhật. Vì sao em muốn con nói tiếng Việt? Để cho con bớt phần tự ti, có mẹ là người Việt, để các con  hiểu mình là người Việt Nam, luôn tự hào về dân tộc Việt Nam.

Khó khăn chung của các gia đình  Việt ở nước ngoài là làm sao để con em mình từ nhỏ làm quen với tiếng Việt, cảm thấy thích thú với ngôn ngữ dân tộc và mong muốn được tìm hiểu cội nguồn. Không phải gia đình nào cũng làm được việc này và mỗi gia đình, mỗi ông bố, bà mẹ đều có những cách thức riêng. Theo chị Phạm Thu Hà, người Việt ở Italia, gia đình chính là nơi giúp cho các bé học tiếng Việt. Chị đã lựa chọn cho con về Việt Nam thường xuyên. Điều này giúp các con của chị dễ dàng làm quen và học nói tiếng Việt. Chị Thu Hà chia sẻ: Cái khó thì khó chung. Rất khó để bố mẹ ban ngày nói chuyện, dạy con tiếng Việt vì mọi người đều bận rộn. Rất khó để  tạo cho các cháu một cái gì đó, mong các con thích nói tiếng Việt trao đổi với gia đình, với cộng đồng. Nếu mà hỏi có biết về Việt Nam không? Biết. Có thích Việt Nam không? Thích. Nhưng có nói tiếng Việt không? Đấy là một vấn đề, không phải lỗi của các cháu đâu mà lỗi của gia đình thôi. Như gia đình của tôi, những năm các cháu còn nhỏ, tôi dành thời gian điều kiện vật chất ưu tiên đưa các cháu về Việt Nam.

Gia đình là nơi trao truyền tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào - ảnh 3Ông Dương Bình, việt kiều tại Mỹ

Giúp các con làm quen với ngôn ngữ dân tộc từ khi còn nhỏ, mỗi ông bố, bà mẹ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ tiếng nói dân tộc cho các bạn nhỏ kiều bào. Dù ở trường, ngoài xã hội, các bạn sử dụng ngôn ngữ sở tại, nhưng khi về nhà, các bạn vẫn có thể hiểu và nói được tiếng Việt. Nhiều gia đình còn lựa chọn cho các em đến các lớp dạy tiếng Việt để học nói, học viết. Ông Dương Bình, kiều bào tại Mỹ, cho biết: Tiểu bang nào ở nước Mỹ đều có trường dạy tiếng Việt cho con em sinh ra ở nước Mỹ. Vì các con sinh ra ở đây thì không biết chỉ nói bập bẹ vài tiếng, dù bố mẹ nói chuyện nhưng cũng không hiểu được nhiều. Nên bên này, có những trường dạy tiếng Việt để gìn giữ văn hóa của người việt. Con tôi bây giờ biết nói và hiểu tiếng Việt. Tôi có nói chuyện nhưng tôi cũng phải dạy con tôi

Bằng những cách khách nhau, các ông bố, bà mẹ người Việt ở nước ngoài đều mong muốn gìn giữ tiếng Việt cho con em mình. Ý thức, trách nhiệm và tình cảm với quê hương giúp cho họ luôn nỗ lực giúp cho các em hiểu được về cội nguồn qua tiếng nói, chữ viết, qua ẩm thực Việt, qua những bài hát, điệu múa và các phong tục tập quán. Cho dù bận rộn mưu sinh, dù trong thế giới ngày càng hội nhập, nhưng những gì là giá trị truyền thống vẫn luôn được mỗi gia đình Việt ở nước ngoài trân trọng và gìn giữ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác