Giáo sư Cao Huy Thuần – từ trái tim sâu thẳm người trí thức Việt

(VOV5) - Những tác phẩm của Cao Huy Thuần chạm tới người đọc nhiều thế hệ, kể cả bạn đọc hôm nay. 

Giáo sư Cao Huy Thuần – từ trái tim sâu thẳm người trí thức Việt - ảnh 1Nguồn ảnh: giacngo.vn
 GS Cao Huy Thuần (sinh 1937, tạ thế nhằm ngày 7/7 vừa qua tại Paris, là tác giả của nhiều đầu sách về văn hóa, giáo dục và triết học ở trong nước như Nắng và hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò, Nhật ký sen trắng, Sen thơm nắng hạ quanh mình, Im lặng như lời chia tay... Đối với trí thức Việt, Cao Huy Thuần thuộc hàng những bậc trưởng thượng trong đội ngũ trí thức dấn thân cho đất nước.

Ông sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy tại Viện đại học Huế (1962-1964), từng xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học cùng năm. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng Châu Âu tại Đại học Picardie. Trước khi về hưu, ông là giáo sư về ngành chính trị học tại đại học Picardie, Pháp.

Tiến sĩ, nhà giáo, dịch giả Nguyễn Xuân Xanh, người Việt trở về từ CHLB Đức, thuật lại trên báo Giác Ngộ trong hồi ức, khi ông quen GS Cao Huy Thuần, từ những năm 67 hay 68 trong một trại hè trên đất Đức: “Anh Thuần lúc đó xem như là người đại diện của nhóm Gió Nội và có tờ báo cùng tên. Các thành viên của Nhóm là những người trí thức Phật tử Việt Nam ở Paris tập trung xung quanh thầy Thích Thiện Châu và sư cô Mandala. Họ bàn về thời sự Việt Nam, thế giới và về vai trò của người trí thức. Đọc tờ báo, tôi rất ngưỡng mộ. Họ là những trí thức thức thời, hiểu biết và dấn thân. Gió Nội là tờ báo Khai sáng. Lúc gặp anh ở Đức, anh Thuần đã có một quá khứ đấu tranh ở Huế.”

Sống và làm việc tại Pháp, nhưng quê hương luôn hiện hữu trong lòng ông. Cao Huy Thuần từng viết: “Có khi người ở xa cảm thấy mình là người Việt Nam hơn lúc ở gần. Ở gần thì ai cũng giống ai. Ở xa thì thường xuyên thấy mình khác với xung quanh. Chính cái khác đó tạo ra cái mà ta gọi là bản sắc, bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc. Người ở xa không chỉ tha thiết với bản sắc như một khái niệm trừu tượng. Người ở xa thấy mình ăn, mặc, thương, ghét, nói, cười với cái bản sắc ấy cụ thể như cái bóng đi theo cái hình”.

Ông đã có nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in 15 cuốn sách và hàng ngàn bài báo tại Việt Nam và được đánh giá là các tác phẩm văn chương chính trị, với ngôn ngữ văn chương tiếng Việt rất thu hút. Năm 2017 Cao Huy Thuần được Quỹ Văn Hoá Phan Châu Trinh trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hoá và giáo dục”.  

Giáo sư Cao Huy Thuần – từ trái tim sâu thẳm người trí thức Việt - ảnh 2

Những tác phẩm của Cao Huy Thuần chạm tới người đọc nhiều thế hệ, kể cả bạn đọc hôm nay. Như nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý nói: "những bài viết của giáo sư Cao Huy Thuần có một độ dung dị, cô lắng, xuất phát từ trái tim của một người Việt Nam, những lời văn rất là cô đọng, hàm súc, ý tại ngôn ngoại. Hầu hết là những bài ngắn xong lại nói rất nhiều điều gợi mở rất rộng. Thứ hai là tinh thần khiêm cung, nhã nhặn, lịch thiệp, thể hiện sự trau dồi văn hóa thực sự từ lâu của một người lấy giá trị văn hóa tinh thần làm điều quan trọng, cốt lõi trong cuộc sống."

Nhận xét về các bài viết, tác phẩm của Cao Huy Thuần, TS Nguyễn Xuân Xanh đánh giá: “Các bài của anh đều là những kiệt tác, rất sovereign, và rất đáng khâm phục. Đó là một tấm gương học thuật, dầy công nghiên cứu và đầy tính nhân văn. Những “khúc quanh nhận thức biện chứng” của anh thường gây ngạc nhiên cho tôi một cách thú vị. Văn phong của anh có nét rất đặc trưng, và vẻ đẹp không thể nhầm lẫn được.”
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác