(VOV5) - Để ổn định và phát triển thị trường lao động đi làm việc tại nước ngoài, Bộ LĐTBXH đã thành lập tổ gắn kết giáo dục nghề nghiệp thị trường lao động và việc làm bền vững.
Trong 10 tháng của năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.600 nghìn lao động, đạt gần 120,6% kế hoạch năm. Không chỉ các thị trường truyền thống, nhiều thị trường khác ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi cũng có mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn |
Sau 10 tháng thực hiện việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, số lượng lao động Việt Nam đã vượt chỉ tiêu kế hoạch năm và theo dự kiến có thể đạt hoặc vượt số lượng 153.000 lao động năm 2019. Hiện, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài vẫn tập trung chủ yếu ở các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Trong đó, Nhật Bản khoảng 67 nghìn người, Đài Loan (Trung Quốc) gần 51.000 người và Hàn Quốc khoảng 10 nghìn người. Ngoài ra, các thị trường khác, như: Trung Đông, Châu Phi cũng mong muốn tiếp nhận lao động của Việt Nam; thị trường châu Âu cũng đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam.
Về triển vọng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cho biết: "Trong bối cảnh các nước phát triển đang trong tình trạng dân số suy giảm, dân số già hóa, thêm vào đó là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu phát triển kinh tế của các nước đang rất mạnh. Trong bối cảnh như vậy, các nước rất thiếu nhân lực. Chính vì vậy, đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục duy trì và ổn định thị trường lao động ngoài nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay, một số nước, tiếp nhận động Việt Nam có thay đổi chính sách nên họ cũng đề nghị chúng ta ký kết các thỏa thuận hợp tác mới. Ngay như các nước châu Âu: Romani, Đức, Nga, Bulgaria, Ch Czech… Các nước Trung Đông, Châu Phi cũng thế- họ cũng đang đề nghị Việt Nam ký các thỏa thuận hợp tác".
Để ổn định và phát triển thị trường lao động đi làm việc tại nước ngoài, Bộ LĐTBXH đã thành lập tổ gắn kết giáo dục nghề nghiệp thị trường lao động và việc làm bền vững, trong đó, chú trọng gắn kết doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, các đơn vị đưa động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương, để tuyển được người lao động đã qua đào tạo.
Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết thêm: "Phải có sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, các địa phương để tham gia vào công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, phải đảm bảo nguồn lao động. Cần có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với các cơ quan, địa phương, với trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, cũng cần sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước".
Trong thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các địa phương đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các địa phương của nước ngoài để thúc đẩy việc tiếp nhận lao động Việt Nam. Đồng thời, Cục cũng tham mưu với Bộ, để ký các thỏa thuận hợp tác quốc tế với các nước có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đảm bảo tính chất pháp lý cho người lao động, thúc đẩy việc tiếp nhận thêm lao động Việt Nam; đẩy mạnh việc tuyên truyền để người lao động tìm hiểu, nắm bắt được thông tin về các thị trường lao động.