Một ngày trên mảnh đất quê hương

(VOV5) - Sau 8 năm, chàng sinh viên năm thứ 5, trường Đại học Ngoại ngữ Belarus Phan Huy Bách quay trở lại Hà Nội, nơi anh sinh ra vào một ngày xuân se lạnh nhưng đầy nắng. Ngày trở về, đi cùng anh là cô bạn gái người Belarus, Marina Berezovikova,  sinh viên năm thứ 3, ngành kinh tế học. Đây là lần đầu tiên Marina đến Việt Nam. Đôi bạn quyết định dành hẳn một ngày cùng tìm lại những ký ức tuổi thơ vừa quen vừa lạ của Bách. 
Một ngày trên mảnh đất quê hương - ảnh 1
Cầu Thê Húc, Hà Nội. Ảnh: thanglonghanoi.gov.vn


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Mái tóc buộc sau gáy, mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng, khoác ba lô, Phan Huy Bách dắt tay bạn gái Marina xuống xe bus ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Từng có thời gian, chiếc xe bus gắn với tuổi thơ cắp sách tới trường của Bách. “Hồi đấy, xe bus rất ít và chờ rất là lâu, nhất là mùa lạnh. Em phải dậy sớm để chờ. Lúc em sử dụng xe bus là lúc em học cấp 3. Vì thế, lúc mới đi em thấy rất lạ. Xe bây giờ hiện đại hơn ngày trước. Chất lượng phục vụ hành khách trên xe tốt hơn. Khi về đây, em không biết đường, người phụ xe chỉ cho em đường đi rất cụ thể”.

Xung quanh họ là tiếng còi xe, tiếng cười nói rôm rả, tiếng rao của người bán hàng dạo, nụ cười thân thiện của các cụ già đi dạo bên hồ. Những hình ảnh, âm thanh quen thuộc một thời trở về khiến lòng người con xa xứ lâu ngày thấy bồi hồi: “Kỷ niệm với em hồi bé thì thành phố Hà Nội ngày trước rộng hơn bây giờ. Ít nhà cửa, đường phố ít xe cộ và ít bụi hơn.Thành phố thay đổi nhanh quá. Sau 8 năm nhà cửa mọc san sát, như nấm mọc sau mưa. Tất cả nhà cao tầng, bảng hiệu giống như khu đô thị sầm uất. Với em, Hà Nội ngày xưa trầm lắng hơn, nên bây giờ em thấy hơi lạ”.

Từ  hồ Hoàn Kiếm, Bách nắm tay Marina đi về phía phố cổ. Những con phố nhỏ, đan xen như bàn cờ, bày bán không biết cơ man nào là hàng hóa với đủ màu sắc. Hòa vào dòng người trên phố Hàng Mã, Bách giới thiệu cho Marina biết: “Phố này gọi là phố Hàng Mã. Trước đây phố bé lắm, cũng không đông như bây giờ. Đây chính là nơi làm ra những con ngựa, ô tô và quần áo bằng giấy mà em thấy trên đường họ đốt đấy. Tết họ hay bán đồ trang trí nhà cửa làm bằng giấy. Màu vàng và đỏ tượng trưng cho may mắn và phú quý”.

Bỏ lại phía sau phố Hàng Mã đầy sắc màu, 2 người đi về phố Hàng Đường. Những cửa hàng bán ô mai truyền thống hiện ra trước mắt. Mua một ít ô mai sấu, đôi bạn trẻ vừa ăn thử, vừa xuýt xoa vì độ chua, cay, ngọt của ô mai. Marina thích thú chia sẻ: “Như ở nước tôi, một con phố chỉ có khoảng 2, 3 cửa hàng lớn. Nhưng ở Hà Nội cứ mỗi bước lại thấy có một cửa hàng. Chỗ nào cũng đông vui sầm uất. Mọi người mời tôi vào xem cái này, chỉ cho tôi nếm cái kia. Có người còn muốn chụp ảnh với tôi nữa. Người dân ở đây rất thân thiện, ai cũng mỉm cười với tôi mặc dù tôi không biết tiếng Việt. Anh Bách và tôi sẽ mua thêm ô mai để lên bàn thờ. Anh nói, người bà đã khuất của anh rất thích ăn món này”.

Phố nối phố, người nối người, Bách đi chậm rãi, giới thiệu với Marina về từng con phố cổ mà cậu còn nhớ. Nắng vàng sóng sánh trải dài trên từng góc phố nhỏ. Đôi trẻ cứ mải miết đi và mắt hai người không rời khỏi những ngôi nhà, những cửa hàng hai bên đường. Họ đến phố Lý Quốc Sư lúc nào không biết. “Hồi bé, bố mẹ hay cho tôi đi ăn phở Lý Quốc Sư. Hóa ra bây giờ cửa hàng này vẫn còn. Lần này về Việt Nam, tôi sẽ giới thiệu tất cả những gì đặc sắc nhất của ẩm thực Hà Nội cho Marina. Cô ấy chưa được ăn phở bao giờ. Sống bên kia nhiều tôi quen với các món ăn phương Tây, nên giờ được ăn những món ăn truyền thống đậm đà hương vị quê hương tôi thấy lạ.”

Như hiểu được suy nghĩ của Bách, Marina cho biết: “Món ăn Việt Nam lạ và ngon. Người Việt Nam ăn nhiều gạo hơn. Tôi biết là phở cũng được làm từ gạo. Tôi cố gắng đi thật nhiều, chụp ảnh thật nhiều và nếm thật nhiều món ăn của Việt Nam để hiểu hơn đất nước và con người Việt Nam”.

Một ngày dạo quanh phố phường Hà Nội, Marina thấy quê hương của Bách thực sự hấp dẫn. Cô ngẩn ngơ trước vẻ đẹp mộc mạc của những con phố, những ngôi nhà nhỏ và ồ lên thích thú trước những món quà lưu niệm xinh xắn được bày bán ở phố cổ. Với Marina, đất nước Việt Nam là cả vùng đất lạ mà cô muốn khám phá:Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch xa thế này mà điểm dừng chân lại là Việt Nam. Tôi rất hồi hộp. Mỗi đất nước, mỗi thành phố đều chứa đựng trong mình lịch sử và nét văn hóa riêng của mình. Hà Nội là thành phố rất thú vị. Tôi ấn tượng nhất là về giao thông ở đây. Ở Hà Nội rất nhiều loại phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy, ô tô...có cả xe đạp chạy bằng điện nữa”.

Hà Nội 8 năm về trước của Bách không có những cửa hàng bán đồ ăn nhanh, những quán cà phê High Land và cả những bảng hiệu led nhấp nháy dọc các con đường ở trung tâm thành phố. Nhưng vẫn còn đó những căn nhà nhỏ nằm san sát bên nhau. Trên đường, dòng người vẫn hối hả vội vã. Những chiếc xe bus sơn màu vàng, đỏ, trắng, chậm rãi đến và đi.

Mải mê dạo bước trên những con phố nhỏ, cả Bách và Marina không hay biết trời đã về chiều. Đôi bạn trẻ tiếc nuối lên chiếc xe bus chở tuổi thơ, thực tại và cả tương lai của Bách./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác