(VOV5) - Sống xa quê hơn 10 năm rồi, tôi vẫn cảm nhận rằng quê hương Việt Nam luôn nơi cần phải trở về hơn nơi nào hết.
Trần Lê Hưng sinh năm 1991, cựu học sinh chuyên Hà Nội - Amsterdam đang làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Cầu đường Paris, Pháp (ENPC). Là thành viên Hiệp hội Khoa học chuyên gia toàn cầu (ANSE), Lê Hưng đang có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành đường sắt Việt Nam. Hơn 10 năm sinh sống tại Pháp, đến nay Lê Hưng vẫn không từ bỏ ý định trở về làm việc ở quê hương mình.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Chào Lê Hưng, hãy giới thiệu đôi nét về công việc đang làm cũng như chuyên ngành nghiên cứu bạn tại Pháp?
Trần Lê Hưng: Tôi là Trần Lê Hưng, sinh ra ở Hà Nội và sinh sống ở Pháp từ năm 2009. Hiện tôi đang là nghiên cứu sinh năm cuối ở trường Ecole des Ponts Paristech ở Paris, Pháp. Đề tài nghiên cứu của tôi là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào duy tu bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Đề tài này có tính ứng dụng trực tiếp vào công nghiệp đường sắt.Tức là thay vì dùng nhân công giờ người dùng các cảm biến (sensors) gắn vào đường ray, thanh tà-vẹt để khảo sát lớp nền đá hoặc tải trọng tàu. Từ đó có thể phân tích, dự báo được trong thời gian bao lâu phải duy tu, bảo trì hoặc phát hiện ngay đoàn tàu có vấn đề về tải trọng, kỹ thuật…
Trần Lê Hưng đang làm nghiên cứu sinh năm cuối trường Đại học Ecole des Ponts Paritech. |
PV: Như vậy, nghiên cứu chắc cũng sẽ hữu ích cho ngành đường sắt Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đang rất cần đổi mới như hiện nay?
Trần Lê Hưng: Vâng, ứng dụng tại Việt Nam rất khả thi bởi công nghệ đường sắt nước mình chưa phát triển nên tiềm năng rất lớn. Hiện nay, tôi đang có một dự án hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với trường Đại học Giao thông vận tải về tích hợp ứng dụng đề tài nghiên cứu của mình vào sự phát triển ngành đường sắt Việt Nam. Vẫn hệ thống đường sắt cũ, nhưng chúng ta sẽ tích hợp công nghệ mới vào để có thể ứng dụng được.
Như hệ thống đường sắt của Pháp cũng phát triển từ rất lâu đời, nên họ rất cần áp dụng công nghệ mới này để khắc phục những vấn đề gặp phải như hiện tượng sụt lún, ôxy hóa, xói mòn nền đường, cơ sở hạ tầng xuống cấp… ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của đường sắt.
PV: Tính khả thi của nghiên cứu này trong ứng dụng thực tế ngành đường sắt Việt Nam đang ở mức độ nào?
Trần Lê Hưng: Hiện giờ, đề tài của tôi đang ở bước tiền khả thi vì đang hoàn thiện dự án với Bộ KH công nghệ và liên kết với Bộ giao thông. Thông tin mới nhất là dự án này đã được các Bộ thông qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những thử nghiệm để kiểm định công trình của mình, nếu có tính khả thi cao, chi phí phù hợp, thích hợp với điều kiện ở Việt Nam thì sẽ sớm được đưa vào khai thác rộng rãi. Hiện, một vấn đề lớn cần được giải đáp.
Đó là hệ thống đường sắt cũ khổ 1m được Pháp xây từ lâu đời có nên tiếp tục sử dụng hay nên xây đường mới. Chính vì chưa giải đáp được nên chưa biết được sẽ áp dụng công nghệ là vào đường sắt mới hay cũ. Tuy vậy thì ngành đường sắt Việt Nam có đầy tiềm năng phát triển nên chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà đầu tư, nghiên cứu quan tâm.
Trần Lê Hưng và các bạn tại Diễn đàn trẻ Việt Nam toàn cầu. |
PV: Lê Hưng thân mến, tại diễn đàn người Việt trẻ toàn cầu 2019, bạn trình bày một bài tham luận gây sự chú ý đặc biệt, với chủ đề tưởng như không liên quan đến ngành học. “Cách thức và điều kiện thu hút và gìn giữ nhân tài ở Việt Nam” Lý do gì khiến nhóm bạn lại quan tâm đến câu chuyện này?
Trần Lê Hưng :Sau diễn đàn lần thứ nhất, tôi có cơ hội tạo được kết nối với rất nhiều bạn trẻ Việt mình giởi ở nhiều lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài. Rất nhiều bạn nghiên cứu sinh có thời gian dài sinh sống ở ở nước ngoài chia sẻ mong muốn được trở về quê hương lập nghiệp và cống hiến. Các bạn đặt câu hỏi là “Chúng ta về Việt Nam thì có thuận lợi và cản trở gì” Vì thế đó là câu hỏi rất lớn. Nên ở diễn đàn lần nay, tôi trình bày đề tài của mình với nội dung “Thu hút và gìn giữ nhân tài Việt Nam”. Điểm chính tham luận về thu hút và gìn giữ nhân tài. Thu hút chính là kêu gọi những người giỏi trở về đất nước và giữ gìn họ, làm sao không để họ thất vọng rồi lại ra đi. Ví dụ, chúng ta cần có những ưu đãi đặc biệt, tạo môi trường đầu tư, làm việc công bằng, rồi lương bổng có đủ trang trải cuộc sống, nghiên cứu như thế nào.
PV: Sống ở nước ngoài, Lê Hưng nghĩ gì về việc chính phủ sẵn sàng chào đón người tài trở về trực tiếp cống hiến cho đất nước?
Trần Lê Hưng: Người Việt mình sống ở đâu cũng được đánh giá cao về học thuật. Như tôi sống ở Pháp hơn 10 năm, thấy rằng người Pháp khen người Việt trẻ mình rất chăm chỉ, khả năng tính toán cao nhưng sự sáng tạo chưa cao. Chính vì thế, tôi muốn tại diễn đàn trẻ có thêm đề tài về đổi mới giáo dục để lớp trẻ sau này phát huy được thế mạnh, tiềm năng vốn có.
Theo kế hoạch tháng 4 tới tôi sẽ bảo vệ Luận án tiên sĩ. Mới đây, có qua Đại học Quốc gia phỏng vấn và tôi khá hài lòng với công việc đó. Ở trường Bách khoa, Giao thông, Xây dựng cũng rất chào đón những nghiên cứu sinh để mang về một luồng gió mới và Nhà nước cũng rất chú trọng đầu tư cho người trở về. Sống xa quê hơn 10 năm rồi, tôi vẫn cảm nhận rằng quê hương Việt Nam luôn nơi cần phải trở về hơn nơi nào hết.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của Lê Hưng và chúc bạn thành công.