Trăn trở với tiếng nói dân tộc nơi xa xứ

(VOV5) - Cô giáo Trần Thị Thu Thủy luôn mong muốn gìn giữ và trao truyền lại tiếng nói cho con em người Việt tại Cộng hòa Sec. 

Niềm đam mê trao truyền tiếng Việt cho các thế hệ sau đã giúp cô giáo Trần Thị Thu Thủy, người Việt tại Cộng hòa Sec luôn trăn trở, cố gắng làm sao để tiếp thu được nhiều phương pháp và kiến thức để dạy lại cho các con. Câu chuyện của cô giáo  Trần Thị Thu Thủy  là nỗi niềm đối với tiếng nói dân tộc của một người con xa quê:

Nghe âm thanh tại đây:

 

Tốt nghiệp Đại học sư phạm khoa tiếng Trung ở Việt Nam năm 1994, sau một thời gian giảng dạy tiếng Việt cho người Đài Loan (Trung Quốc), cô giáo Trần Thị Thu Thủy theo chồng sang định cư tại Cộng hòa Sec. Cho dù cuộc sống mưu sinh, bận rộn, nhưng chị luôn ý thức gìn giữ ngôn ngữ dân tộc cho các con.

Trăn trở với tiếng nói dân tộc nơi xa xứ - ảnh 1Cô giáo Thủy( áo xanh lá cây) tại khóa tập huấn tiếng Việt dành cho giáo viên kiều bào ở Hà Nội

Từ khi 5 tuổi, chị bắt đầu dạy con tiếng Việt. Vì vậy, mặc dù được sinh ra ở nước ngoài, nhưng khi lớn lên, các con của chị đều hiểu và nói tiếng Việt khá tốt. Không phải ai cũng được như chị Thủy mà hầu hết, phụ nữ người Việt ở nước ngoài, do bận rộng với cuộc sống, nên không quan tâm dành thời gian cho các con học tiếng Việt. Cô giáo Trần Thị Thu Thủy chia sẻ:Con em của chúng ta ở Sec rất đông và ngày càng đông nữa. Những cháu như con tôi nói được tiếng Việt rất ít. Do hoàn cảnh, vì bố mẹ các cháu như tôi khi sang thời đó, vì cuộc sống mưu sinh, phải gửi con, có người gửi từ sáng đến tối, có người gửi cả tuần. Vì vậy, các con hầu không hiểu tiếng Việt. Đó chính là nỗi trăn trở của tôi.

Trăn trở với tiếng nói dân tộc nơi xa xứ - ảnh 2

Luôn trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc, nhất là ngôn ngữ, nên cô giáo Trần Thị Thu Thủy luôn mong muốn gìn giữ và trao truyền lại tiếng nói cho con em người Việt tại Cộng hòa Sec. Bởi theo chị, những giá trị  ngôn ngữ của quê hương luôn cần được  mỗi người Việt gìn giữ cũng như cần được tôn vinh ở nước ngoài. Đó cũng là lý do chị luôn mong muốn sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng xã hội trong hoạt động này:Một ngôn ngữ học được không dễ dàng. Nhưng mình mất đi tiếng gốc, tiếng của quê hương, đất nước, tổ tiên là một điều thiệt thòi cho các cháu và cộng đồng người Việt. Tôi mong rằng, phụ huynh người Việt đang sinh sống tại Cộng hòa Sec nói chung và nước ngoài đều mong muốn con em mình biết thông thạo tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ.

Những trăn trở này đã giúp cô giáo Trần Thị Thu Thủy tự tổ chức dạy tiếng Việt cho các em nhỏ ở vùng Brno, nơi chị sinh sống. Đây là thành phố lớn thứ hai ở Cộng hòa Sec, rất đông người Việt, nhưng lớp tiếng Việt chính thức được công nhận chưa có. Nhờ một người bạn biết thông tin về khóa tập huấn tiếng Việt dành cho các giáo viên người Việt ở nước ngoài tại Việt Nam, nên chị đăng ký tham gia. Chuyến hành trình về quê hương đã giúp cho cô giáo Trần Thị Thu Thủy tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu, tìm hiểu nhiều hơn về những địa danh lịch sử của dân tộc, từ đó, là cơ sở để mở các lớp học chính thức cho con em người Việt ở Cộng hòa Sec.. :Tôi thu xếp để cùng bạn và một số người Việt nam chủ chốt ở thành phố Brno và Olomos tổ chức các lớp học miễn phí đầu tiên cho người Việt, tôi có thể chưa đóng góp nhiều về tiền của, nhưng về công sức, mở ra các lớp học miễn phí đầu tiên cho các cháu. Đồng thời, những lớp học như thế được lan tỏa và được sự hỗ trợ ở bản xứ. Vì tôi được biết, nhiều thành phố của Cộng hòa Sec đã được Ủy ban người Việt hỗ trợ để gìn giữ tiếng Việt.  Và tôi hy vọng, việc làm của chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ đất nước bản địa.
Trăn trở với tiếng nói dân tộc nơi xa xứ - ảnh 3Cô giáo Thủy và  các giáo viên kiều bào ở các nước

Tuy nhiên, để các lớp học được mở ra, tồn tại và phát triển, giúp con em người việt học nói, học đọc và viết, cần sự giúp sức của rất nhiều người, từ mỗi phụ nữ, từ mỗi gia đình đến cộng đồng xã hội. Đó là điều mà cô giáo Trần Thị Thu Thủy mong muốn:Cần sự hỗ trợ của rất nhiều người. Cả cộng đồng cần chú ý, chúng ta không những gìn giữ bản sắc dân tộc, gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau mà còn lan tỏa tiếng Việt cho những người bản địa. Rất mong  nhà nước tạo điều kiện cho kiều bào ở nước ngoài có điều kiện đóng góp sức mình để gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt ra thế giới.

Người Việt Nam đã được công nhân là dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Sec. Vì thế, ảnh hưởng của người Việt Nam tại đây rất lớn. Các hoạt động của người Việt được tổ chức cũng được người dân bản địa biết đến và hưởng ứng. Đấy là lý do để những người như cô giáo Trần Thị Thu Thủy, thấy thêm yêu tiếng nói dân tộc, thúc đẩy việc gìn giữ, góp phần bảo vệ và phát huy nền văn hóa của Việt Nam tại Cộng hòa Sec nói riêng và ở nước ngoài nói chung.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác