Về nơi phát tích của dân tộc

(VOV5) - Trại hè Việt Nam 2013 đã bước sang năm thứ 10. Hầu hết, trong các năm đều có chương trình đến thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng, một hoạt động nhằm giúp các em hiểu thêm về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Chuyến trở về nguồn đưa các bạn trẻ kiều bào về với dòng chảy lịch sử, quá khứ và hiện tại đan xen, làm giàu thêm trong mỗi người truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.

 

Về nơi phát tích của dân tộc - ảnh 1

Lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu di tích lịch sử đền Hùng


Chiếc xe du lịch chở đoàn thanh niên sinh viên kiều bào từ nhiều nước trên thế giới lướt nhẹ trên đường Hùng Vương, nối từ Việt Trì lên Đền Hùng, qua đồi Phân Đậu rồi từ từ đậu lại ở khu vực sân hành lễ trước cổng Đền. Các bạn trẻ ùa xuống. Một không gian trong lành rộng mở trước mắt. Xa xa, dãy Tam Đảo như bước tường xanh sừng sững, bên phải là đỉnh Ba Vì cao vòi vọi. Còn trước mặt là ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175m so với mặt nước biển, nơi hội tụ một quần thể kiến trúc thâm nghiêm, thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Lời hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã gợi lại một quá trình lịch sử ghi dấu tích các vua Hùng buổi ban đầu dựng nước, gắn với những huyền thoại được lưu truyền, trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam: Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, có các công trình kiến trúc đó là  Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, lăng mộ Hùng Vương, Đền Giếng và Giếng Ngọc. Toàn bộ các côg trình trên núi đều do con cháu Rồng Tiên chúng ta xây dựng để thờ cúng các vua Hùng, những người đã có công xây dựng đất nước Văn Lang thời mở nước cách đây hàng nghìn năm. Dân tộc Việt Nam có một chiều dài lịch sử hàng nghìn năm nhưng hàng nghìn năm đó con cháu Rồng Tiên vẫn không quên ơn những người đã có công thành lập nước Văn Lang thời Hùng Vương và bây giờ là nước Việt Nam.

 

Bước chân trên các bậc đá rêu phong bên những gốc thông già rợp mát để chiêm bái đất Tổ, dù đã được nghe mẹ kể sơ qua về Hùng Vương, nhưng tới đây bạn trẻ Lê Thị Nga, học trường trung học phổ thông Kojedub (Ka-zơ-đúc), Liên bang Nga, thấy cảm hơn về mảnh đất gắn liền với huyền thoại về dòng giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử dựng và giữ nước của 18 đời vua Hùng: Em nhìn thấy ở đây rất đẹp, rất linh thiêng. Em tự hào vì UNESCO đã chứng nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam  được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Với Huỳnh Việt Hưng, sinh viên năm thứ nhất Đại học ở Mat-xcơva, Liên bang Nga, bạn thường xuyên được bố mẹ cho về Việt Nam nhưng đây cũng là lần đầu Hưng được đặt chân tới khu di tích đền Hùng, Trung tâm kinh đô của nhà nước Văn Lang xưa: Lần đầu tiên, em được đến Đền Hùng, một nơi đẹp như thế này. Khi đến đây em thấy nơi đây rất nhiều cây cối, rất rộng, xanh, đẹp, thấy không khí rất thoải mái, em rất vui khi biết được tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận. Em rất tự hào.


Hưng hãnh diện vì nét độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, coi quốc gia - dân tộc như một gia đình lớn; tự hào với hai tiếng đồng bào, ý muốn nói dân tộc Việt Nam từ một bọc sinh ra và sâu xa hơn là sự đoàn kết, đùm bọc, thống nhất của mọi người dân Việt. Không tham quan được hết cả khu di tích Đền Hùng rộng trên 1.000 ha, nhưng tới các điểm chính trên núi Nghĩa Lĩnh, các em đã có cái nhìn khái quát rằng ở đền Hạ, đền Trung hay đền Thượng đều thờ các Vua Hùng. Bởi từ cả nghìn năm nay, các làng xã ở Phú Thọ vẫn duy trì tục thờ chung một ông Vua Tổ - Vua Hùng.

 

Phần thưởng cho việc thi đỗ vào lớp 10 trường phổ thông trung học  1450 với số điểm xuất sắc của Hà Lê Minh Dương, ở Mat-xcơ-va, là chuyến về Việt Nam, thăm các danh lam thắng cảnh của đất nước. Thăm đền Hùng, Dương tâm sự em vẫn thuộc nằm lòng câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”, câu ca dao nhắc em phải luôn hướng về cội nguồn, để xây dựng đất nước đẹp giàu. Em chia sẻ: Em 14 tuổi. Lần đầu tiên đến Đền Hùng. Đất nước Việt Nam tiến triển rất nhanh. Ở Nga, em vẫn học về lịch sử của Tổ quốc. Sau khi học tập xong, em sẽ về Việt Nam.

 

Rời đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân ra xe ô tô trở về Hà Nội kết thúc cuộc hành trình tham quan đền Hùng, một bạn thanh niên người Campuchia  gốc Việt bất ngờ mượn micro từ tay cô hướng dẫn viên: Cháu xin cảm ơn Ban tổ chức và cảm ơn cô rất nhiều đã giải thích cho các cháu hiểu biết về lịch sử của người Việt Nam. Xin cảm ơn.

 

Nhiều bạn trong đoàn tham quan đền Hùng tuy không nói ra, nhưng cũng cùng chung niềm đồng cảm với bạn thanh niên gốc Việt nọ. Các em thầm cảm ơn tổ tiên đã gìn giữ được di tích để đến hôm nay thế hệ con cháu của thế kỷ 21 từ nước ngoài trở về trong niềm cảm mến, trân trọng./.

Phản hồi

Các tin/bài khác