(VOV5) - Do tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh họat gắn bó mật thiết với thiên nhiên, nên đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khơ Mú luôn mang đậm dấu ấn của núi rừng. Dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay, song dấu ấn của những tập quán tốt đẹp xưa vẫn in đậm trong sinh hoạt hàng ngày, thể hiện rõ nét trong các hoạt động lễ hội, âm nhạc dân gian truyền thống.
|
Ðàn "dao" (hun mạy) được làm bằng một loại nứa tép hoặc tre, do phụ nữ chế tác và biểu diễn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nếu ai từng một lần ghé vào thăm các bản của đồng bào Khơ Mú, hẳn sẽ được hòa mình cuộc sống yên bình giữa thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng. Những nếp nhà sàn được dựng nên từ cây rừng tre, nứa, những bộ khăn, áo xanh thẫm màu cây rừng, những làn điệu hát dân ca hồn nhiên và trong trẻo như tiếng suối chảy cùng các nhạc cụ mang âm hưởng đại ngàn sâu thẳm và thân thương.
Hình ảnh dễ dàng cảm nhận là kiến trúc nhà ở. Đó là những ngôi nhà sàn gần gũi thiên nhiên được làm hoàn toàn từ chất liệu gỗ rừng, tre nứa, mái lợp bằng cỏ tranh, khum khum hình mai rùa, tựa lưng vào đồi và ngoảnh mặt ra thung lũng.
Dấu ấn núi rừng còn thể hiện ở rất nhiều vật dụng trong gia đình, đó là những đồ đan lát thủ công làm từ tre nứa. Ngay cả những loại nhạc cụ cũng được sáng tạo làm từ thân cây tre, nứa, phát ra những âm thanh rất đặc trưng, góp phần làm nên vẻ đẹp say đắm trong các làn điệu dân ca của người Khơ Mú.
Ông Đinh Sáu, nhà nghiên cứu âm nhạc, sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc ít người, cho biết: "Các nhạc cụ mang hồn đại ngàn ấy đến ngày nay vẫn xuất hiện nhiều trong đời sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở phía Tây tỉnh Nghệ An. Các loại nhạc cụ như: “Ôm đing”, “Đao”, “Tót”, "Pí tơm"… dùng để đệm cho điệu hát “Tơm” hay hát “Kưn chơ”( thể loại hát dân gian đặc trưng của người Khơ Mú). Những nhạc cụ này có thể làm tiết tấu nhạc nền vui nhộn cho các vũ điệu trong những lễ hội mang tính cộng đồng của người Khơ Mú như: “Tẹ cạ grang” (múa cá lượn), “Tẹ rơ vơớt” (múa khăn), “Tẹ muôn pị hâm mệ” (múa mừng năm mới)...".
Đàn gõ “Đao” loại nhạc cụ phổ biến trong cộng đồng Khơ Mú. Nhạc cụ này có nguồn gốc từ dụng cụ đuổi chim khỏi về ăn hạt lúa giống trong mùa tra hạt được. “ Đao” được làm từ những ống nứa, khi gõ tạo những chuỗi âm kép rung vọng, lúc thầm thì, lúc vang xa. "Tót" là loại sáo dọc có 4 hoặc 6 lỗ được chế tác từ tre hay nứa. "Pí Tơm" là loại sáo dọc được chế tác từ những đoạn tre non với âm sắc độc đáo như tiếng gió vi vu giữa đại ngàn bao la. Pí Tơm thường được đệm cho làn điệu hát dân ca Tơm.
Tuy nhiên, nhạc cụ độc đáo nhất của người Khơ Mú phải kể đến “Ôm đing” là loại đàn ban đầu được sáng tạo từ những ống tre đựng nước trên nương. Người Khơ Mú đã tách cật ống tre làm thành giây đàn. Ông Công Dần, dân tộc Khơ Mú, cho biết: "Ngày xưa người Khơ Mú muốn nhảy múa mà không có cồng chiêng, nên nghĩ ra lấy ống nứa để làm thay cho cồng chiêng. Đàn khi đánh bật ra tiếng, giây giữa có tiếng nhỏ, gây bên cạnh có tiếng bình thường và tiếng to, mà làm được như thế cũng khó".
Chính tâm hồn chan hòa với thiên nhiên và yêu thích nhảy múa hát ca đã là động lực để người Khơ Mú sáng tạo nên loại nhạc cụ này. Tiếng đàn“ Ôm Đing” thường được đệm giữ nhịp cho các điệu múa hát những ngày lễ hội như chính tâm hồn của người Khơ Mú đôn hậu, thủy chung, sống chan hòa giữa thiên nhiên
Những làn điệu dân ca và những nhạc cụ mang âm hưởng núi rừng chính là giá trị văn hóa phi vật thể vô giá không chỉ của dân tộc Khơ Mú mà còn là tài sản chung của cộng đồng dân cư các dân tộc Việt Nam, ở đó mang đậm nét sinh hoạt văn hóa âm nhạc hấp dẫn của dân tộc Khơ Mú. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị của lễ hội đang được cộng đồng quan tâm.
Theo Tiến sỹ Vi Văn An, nhà nghiên cứu dân tộc ít người ở Bảo tàng Dân tộc Học Việt Nam: "Trước hết phải khảo sát lại toàn bộ các làn điệu dân ca và nhạc cụ của người Khơ Mú để bảo tồn cho các thế hệ con cháu của họ cũng như bảo tồn những giá trị cho nền âm nhạc Việt Nam. Ngoài các hình thức bảo tồn tĩnh, trưng bày các nhạc cụ tại các Bảo tàng, thì hình thức bảo tồn động, tức là khuyến khích, hỗ trợ cho người dân tại cộng đồng để người ta truyền nghề làm nhạc cụ cho thế hệ con cháu".
Những làn điệu dân ca trong trẻo cùng các nhạc cụ mang âm hưởng đại ngàn là niềm tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo của người Khơ Mú. Ngày nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay, song người Khơ Mú vẫn sống đắm mình giữa thiên nhiên, luôn biết làm đẹp cho cuộc sống, làm đẹp tâm hồn mình từ những điều tưởng chừng như bình dị mà vô cùng quý giá mà ngàn xanh đã ban tặng cho con người.